VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT - WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0916.480.772
Hôm nay: 66109  - Tất cả: 40,590,850
 
TIN TỨC > THĂM VIẾNG TRI ÂN Bản in - Lượt xem: 1339
Cung đường bất tử
Tin đăng ngày: 16/12/2018 - Xem: 1339
 


Một góc Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.

Hơn 50 năm về trước, khi tuyến đường 1A bị cắt đứt thì tuyến đường 15 đoạn qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã nằm trong tầm ngắm cần hủy diệt của lực lượng không quân Mỹ. Chỉ tính riêng từ năm 1964 đến 1968, không quân Mỹ đã trút xuống mảnh đất này 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa, rốc-két hòng cắt đứt huyết mạch giao thông chi viện sức người, sức của cho các chiến trường.

 

Cửa tử Truông Bồn

Khi chiếc máy bay "Con ma" F4H bị trung đoàn pháo cao xạ 233 bắn cháy, xác rơi tại Cát Mộng (Nghĩa Ðàn) tháng 3-1965, trong tấm áo bay cháy sém của tên giặc lái đã lộ ra tấm bản đồ quân sự tối mật. Trên tấm giấy cứng chống cháy mang dòng chữ "Carte martial" (bản đồ quân sự) ghi chi chít ký hiệu bằng tiếng Anh: Dốc Bồn, dốc Trầm, dốc Lụi… thuộc tuyến đường 15. Trên mỗi điểm ký hiệu địa danh ấy đều được vạch chéo chữ thập với nghĩa phải hủy diệt. Riêng Truông Bồn và bến phà Nam Ðàn, Bộ Tham mưu không lực Hoa Kỳ tại căn cứ Guam ghi vào tấm bản đồ dòng chữ "Decepiter un parti politique" (nghĩa là bộ phận chủ yếu)...

Thâm độc hơn, chúng còn ném bom từ trường, bom hẹn giờ gắn bộ phận chống tháo gỡ ngòi nổ. Cũng trên tuyến đường này, lần đầu tiên, không quân Mỹ thả "cây nhiệt đới", loại thiết bị điện tử dò tiếng động cơ giới để báo tọa độ có xe vận tải dọc tuyến đường 15 cho máy bay ném bom. Mật độ đánh phá của không quân Mỹ ngày một dày đặc, có tính chất hủy diệt đối với hệ thống giao thông Nghệ An. Bọn giặc lái Mỹ xảo quyệt thay đổi thủ đoạn ném bom, chọn trọng điểm đánh phá liên tục xuống 70 km dốc cao, bờ vực, bãi lầy và 30 chiếc cầu trên tuyến đường 15. Ðoạn "cán xoong" Truông Bồn trở thành "cửa tử" là điều hiển nhiên.

Bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù, với lòng quả cảm, tinh thần và quyết tâm sắt đá: "Tim có thể ngừng đập - nhưng đường, không thể tắc", hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ TNXP tỉnh Nghệ An đã cùng bộ đội công binh và các lực lượng làm nên một huyền thoại Truông Bồn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Phải có ý chí vững tin đến độ bình thản trước sống chết, chàng trai Nguyễn Tâm Cớn tổ trưởng tổ phá bom C317 mới đủ bản lĩnh bám trụ ở "cửa tử" ròng rã mấy tháng trời, mưu trí phá gần 300 quả bom nổ chậm, trong đó có nhiều bom từ trường…

Năm 1969, khi về công tác tại báo Nghệ An, tôi được giao viết về tấm gương phá bom Nguyễn Tâm Cớn. Với gương mặt sạm nắng, khắc khổ, giọng nói đặc sệt âm vực vùng lúa Yên Thành, anh chìa cho tôi xem thỏi nam châm dài vừa ba đốt tay cùng cuộn dây cước đã lên màu mốc xỉn. Anh cười rổn rảng: "Ðây là dụng cụ phá bom từ trường Mỹ rất công hiệu của tôi". Rồi anh kể: Khi xác định được vị trí của bom, người đánh bom phải quan sát, tìm vị trí tiếp cận gần nhất, dùng xẻng gỗ đào hầm tránh sức ép và mảnh bom. Sau đó, tung cuộn dây cột thỏi nam châm sao cho vượt vị trí quả bom nằm vài ba mét rồi chầm chậm rút dây về. Thỏi nam châm phát sóng từ đủ mạnh gây nổ bom ở khoảng cách an toàn cho người phá bom. Năm 1972, Nguyễn Tâm Cớn đã vinh dự được cử đi báo cáo điển hình tại Hội nghị thi đua "Hai giỏi’’ toàn miền bắc với sáng kiến phá bom từ trường bằng công cụ thô sơ.

Trên cung đường bất tử này, đã có hơn một nghìn anh hùng liệt sĩ hy sinh. Bi tráng nhất là sự hy sinh của "tiểu đội thép" tại Truông Bồn, vào sáng 31-10-1968, chưa đầy 18 giờ trước khi không quân Mỹ thực hiện lệnh ngừng ném bom miền bắc.

Thời khắc bình yên ấy đã không đến với 13 chiến sĩ TNXP của "tiểu đội thép" bất tử. Các chị, các anh đã ngã xuống hóa thân giữa đất trời Truông Bồn. Tuổi đời chỉ từ 17 đến 22. Tất cả đều chưa vợ, chưa chồng! Có nỗi đau nào hơn khi tối hôm trước các anh, các chị đã chia tay đồng đội, chia tay "chiến trường" Truông Bồn để chuẩn bị thực hiện ước mơ tương lai của mình. Anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm sẽ đưa nhau về nhà, ra mắt hai họ để làm lễ đính hôn; chị Ðàm Thị Bốn xuất ngũ về với mẹ do anh trai vừa mới hy sinh ở chiến trường, ở nhà không còn ai chăm mẹ; năm chị nữa cũng xuất ngũ, chuẩn bị đi học; những tờ giấy báo nhập học đang gói ghém cẩn thận trong chiếc khăn mùi soa cột ở cổ tay. Nhưng rồi, mờ sáng hôm sau, cả tám chiến sĩ TNXP ấy cùng năm đồng đội khác đã vĩnh viễn nằm lại sau trận bom của máy bay Mỹ. Sau hai ngày tìm kiếm, đồng đội chỉ tìm được sáu đồng chí còn nguyên vẹn; bảy đồng chí còn lại chỉ nhặt được một phần rất ít thi thể. Thật bi hùng khi thi thể anh Trần Văn Hạt như bị xé nát nhưng miệng vẫn ngậm còi trực ban báo động máy bay đến thả bom… Nhân chứng duy nhất sống sót sau trận bom hủy diệt vào mờ sáng ngày 31-10 năm đó, Tiểu đội trưởng "tiểu đội thép" Trần Thị Thông (nay đã 72 tuổi) cho biết: "Ðã hoàn tất các thủ tục, liên hoan chia tay, không có tên ra hiện trường, nhưng tám chiến sĩ vẫn xin ở lại để cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ san lấp hố bom, thông đường cho đoàn xe quân sự vượt Truông Bồn".

Khu di tích Truông Bồn trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Lời thề bi tráng

Trước sự kiện hy sinh của "tiểu đội thép" ở Truông Bồn, trên cung đường này còn có 15 chiến sĩ C339, đội 69 hy sinh ngày 5-2-1966 tại Cầu Cấm; bảy cô gái C332, trong đó có Võ Thị Niên là Chính trị viên ngã xuống cùng ngày 26-5-1967; rồi Anh hùng liệt sĩ phá bom từ trường Hoàng Kim Giao cũng hy sinh trên tuyến đường 15, cách trọng điểm Truông Bồn không xa...

Vì sự sống mạch máu giao thông, đâu đâu trên tuyến lửa Khu 4 cũng bắt gặp hào khí Truông Bồn trong rì rầm, hối hả những đoàn xe vượt dốc, vượt trọng điểm tiến vào mặt trận. Lời thề của Tổng đội TNXP mang mật danh XK300, của ngành giao thông vận tải và quân dân Nghệ An mở thêm những cung đường, những tuyến đường thay cho người vừa khuất. Nhân dân Nghệ An nêu khẩu hiệu "Nhường nhà giấu hàng, nhường làng giấu xe". Dù lời thề ấy phải trả giá bằng hơn 200 làng, xóm bị bom Mỹ triệt phá khốc liệt. Nhân dân Nghệ An đã vượt lên bom đạn, chết chóc đóng góp 15.707.140 ngày công làm giao thông vận tải, đào đắp hơn một triệu mét khối đất đá, sửa chữa mở mới 1.125 km đường tránh, đường xế, mở thêm nhiều bến phà, khôi phục 318 lượt cầu vượt sông, tạo thế chủ động thông xe góp phần đưa hơn bảy triệu tấn hàng vào mặt trận.

Ðường vượt trọng điểm Truông Bồn, đường tới chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, trên mặt trận giao thông vận tải Nghệ An kể từ năm 1965 đến cuối năm 1972 đã có tới 458 cán bộ, chiến sĩ giao thông vận tải và 505 TNXP ngã xuống, chưa kể 22.000 thương binh, bệnh binh TNXP và khoảng 400 thương binh ngành giao thông vận tải. Vì sự sống con đường, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công binh, pháo cao xạ, tên lửa... hy sinh tại các trọng điểm bảo vệ huyết mạch giao thông vận tải. Riêng trên tuyến đường 15 đã có 220 cán bộ, chiến sĩ dân quân ngã xuống tại trận địa.

Truông Bồn, Cầu Cấm, Bến Thủy, Rú Trét, Hoàng Mai, Mỹ Lý… chưa thể là cổ tích, không thể là dĩ vãng về một thời máu lửa hy sinh, mất mát không thể bù đắp. Kể từ năm 2014 sau khi khánh thành đến nay, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ. Mỗi năm có hàng nghìn đoàn khách trung ương, tỉnh bạn, hàng chục vạn người, đông đảo nhất là cựu chiến binh, cựu TNXP chống Mỹ, cứu nước, tuổi trẻ từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm tới tưởng vọng, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Ðạo nghĩa uống nước nhớ nguồn luôn tươi nguyên giá trị nhân văn, không chỉ cho thế hệ hôm nay.

Theo Văn Hiền (nhandan.com.vn)

 

 

<< Thăm viếng tri ân >>
  Trang chủ | Giới thiệu | Tin tức | Tiểu đội Anh hùng | Chiến công | Tri ân | Thơ văn | Video - Bài hát | Liên hệ | Diễn đàn Len dau trang
Trang thông tin điện tử: "truongbon.vn"
Bản quyền thuộc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Truông Bồn
Ghi rõ nguồn gốc: truongbon.vn khi phát hành thông tin từ Website này
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An: 
Trưởng ban biên tập: Giám đốc - Phan Trọng Lộc