Huyền thoại nhớ
Tháng 10, trời xanh ngăn ngắt, chúng tôi vác ba lô về thăm lại Truông Bồn.
Đã từng rất nhiều lần về nơi này, đã từng nghe rất nhiều người kể về thời hoa lửa đấy, nhưng không hiểu sao, mỗi lần trong tôi đều rưng rưng cảm xúc.
Cung đường từ thị trấn Nam Đàn đến khu vực đài tưởng niệm chiến thắng Truông Bồn giờ đã được rải nhựa phẳng lỳ.
Hai bên đường là rừng thông xanh ngút ngàn. Thi thoảng, mấy chú bé tóc còn để chỏm cởi trần trùng trục í ới gọi nhau chạy lên đồi hái sim.
Hơn 40 năm trước, nơi đây là những quả đồi bị cày nát bởi bom đạn. Còn nay, màu xanh đã phủ kín những hố bom, những nếp nhà dựng lên san sát.
Chiếc xe 16 chỗ từ từ lăn bánh. Thật khẽ. Thật êm. Nhà báo Xuân Ba gọi với lên tài xế, lãng đãng: “Chú lái chậm chậm nhé, biết đâu, các o ấy đang ở quanh đâu đây, đang ngủ say. Đừng đánh thức các o dậy”.
Người dân sống xung quanh trận địa bom năm xưa vẫn kể, thi thoảng, vào những đêm trăng vằng vặc, họ vẫn "nghe" thấy tiếng của những thanh niên xung phong cười đùa, í ới gọi nhau.
Thi thoảng, còn "nghe" thấy tiếng hát vọng ra từ những sườn đồi thoai thoải. Tiếng hát trong veo.
Có người lại nằm mơ thấy các o khóc, bảo rằng: nơi đây lạnh lẽo và hoang vắng, các o thấy cô độc quá.
Các o bảo: 13 thanh niên xung phong ngày ấy hy sinh, giờ mỗi người một nơi, chẳng thể được bên nhau.
Họ muốn, lúc sống, tất cả đều chiến đấu ở cái "yết hầu" khốc liệt này, lúc hi sinh, cũng tại trận địa khốc liệt này thì bây giờ, họ muốn được bên nhau mãi mãi.
Bởi, họ còn những câu chuyện, những trang thư đọc dở, mà trong đó, có người từng hứa: đi san lấp đường xong rồi về cả hội cùng đọc.
Có một thời, chẳng ai nhớ tới Truông Bồn, chẳng ai nhớ đến nơi đây, đã có một lớp lớp thanh niên tuổi đời còn rất trẻ đã ngã xuống.
Cách Truông Bồn mấy chục km là ngã ba Đồng Lộc, nơi mười cô gái đã ngã xuống.
Chính tại nơi ấy, người ta đã cho xây dựng một khu tưởng niệm hoành tráng với 10 ngôi mộ xếp hàng thẳng thắn, những cây bồ kết cũng đơm hoa kết trái bên mộ phần của 10 cô gái Đồng Lộc.
Nhìn Đồng Lộc, thấy xót xa cho Truông Bồn, cho những thanh niên đã ngã xuống nơi đây.
Nhưng, đó là chuyện của những năm về trước. Bây giờ, người ta đang khẩn trương xây dựng khu tưởng niệm cho những thanh niên xung phong đã ngã xuống ở cái “túi bom” này.
Hàng chục tỉ đồng đã được huy động để xây dựng khu tưởng niệm. Người dân nơi đây vui mừng ra mặt.
Kỳ tích ở Truông Bồn
Vậy là, sắp tới, nơi 13 TNXP ngã xuống, sẽ có một khu tưởng niệm hoành tráng được dựng lên, để mọi người có thể đến, nghiêng mình thắp một nén hương thơm cho linh hồn các TNXP đã ngã xuống.
Khu mộ của những TNXP hi sinh trong trận bom sáng 31/10/1968 đã được dựng lên tại cái nơi mà các cô, các anh đã chiến đấu và ngã xuống.
13 thanh niên xung phong thủa ấy nằm lại nơi đây, chỉ có 6 người được tìm thấy thi thể.
Những người từng có mặt vào cái buổi sáng ngày 31/10/1968 mà tôi đã gặp bảo rằng: sau trận bom ác liệt ấy, dù có huy động đến hàng trăm người và phương tiện máy móc nhưng cũng chỉ tìm thấy 6 chiến sỹ TNXP.
7 người còn lại, thân thể họ đã hòa vào cát bụi, máu của họ đã hòa vào đất.
Một ngôi mộ chung được dựng lên, nép mình bên đồi thông già. Phía trên phần mộ, người ta mua rất nhiều gương, lược, phấn son.
“Các o còn trẻ lắm. Thời đó, ngay cả đồ dùng vệ sinh của phụ nữ còn dùng chung thì lấy đâu ra son phấn. Sau mỗi trận bom, mặt o nào o nấy đen nhẻm, lấm lem khói bom và đất đá. Ấy vậy mà các o cứ cười, sau mỗi trận bom, có o còn chui vaò nhà tui, lục cơm nguội để ăn” – bà Vinh, một người từng sống nơi đây trong những ngày bom đạn hòai niệm.
Địa điểm xây dựng khu mộ, trước là hầm trú ẩn của TNXP. Phía trước phần khu mộ, chính là địa điểm mà giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Đấy cũng chính là nơi mà 13 TNXP đã hy sinh.
Có lẽ, người ta có lý do khi chọn nơi này làm nơi xây dựng phần mộ chung cho các TNXP. Thời chiến, nó là nơi che chở cho họ thoát khỏi làn mưa bom, bão đạn.
Còn nay, nó là nơi các TNXP yên nghỉ, là nơi để các cô, các anh trở về trong lòng đất Mẹ.
Đứng trước ngôi mộ của các TNXP, thấy khóe mắt cay xè. 13 người ngã xuống trước ngưỡng cửa của ước mơ.
Một lễ đính hôn giữa tiểu đội trưởng tiểu đội 6 Cao Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Tâm - tiểu đội 2 TNXP) sẽ chỉ còn trong hoài niệm.
Bất chợt, nhớ đến câu thơ của Trần Tuấn: “Đường làng tháng giêng dài ra hút tắp/ Em không về, vắng một cuộc đưa dâu”.
Mà, đâu có chỉ Nguyễn Thị Tâm lỡ hẹn với mùa cưới. Tất cả họ đang còn trẻ, chưa từng yêu thương và hò hẹn, chưa từng nhung nhớ.
Tuổi 18, họ nằm lại với đất Mẹ, với bao ước mơ còn dang dở.
Còn nhiều thứ dở dang, nhưng có một sự thật: Những TNXP hi sinh ngày ấy đã làm nên kỳ tích ở Truông Bồn, một kỳ tích có thể gọi là kiều diễm….
Truông Bồn nằm trên tuyến đường 30 thuộc đường chiến lược 15A, địa phận xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), cách thành phố Vinh khoảng 40km về phía tây và cách huyện lỵ Đô Lương 10km về hướng nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là huyết mạch giao thông chi viện nhân tài vật lực cho chiến trường miền Nam. Phát hiện đây là “yết hầu” của tuyến vận tải chiến lược nên từ 1964-1972 đối phương liên tục đánh phá ác liệt.
Thất bại trên các chiến trường, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ ngày 1-11-1968. Chỉ không đầy một ngày trước thời điểm đó, ngày 31-10-1968, 13 TNXP (11 nữ, 2 nam) thuộc tiểu đội 2 của Đại đội 317, Đội 6, Tổng đội TNXP Nghệ An chống Mỹ đã cùng nhau ngã xuống một trong những trận bom ác liệt cuối cùng của địch tại Truông Bồn.
Hầu hết những người hi sinh đều đã hoàn thành nhiệm vụ và có quyết định ra quân, có người đã có quyết định đi học, có người đã định ngày cưới...
Bảy liệt sĩ TNXP Truông Bồn không tìm thấy thi hài. Hiện tại Truông Bồn có một ngôi mộ chung cho họ.
Ngày 12-1-1996, Bộ Văn hóa - Thông tin có quyết định công nhận Truông Bồn là di tích lịch sử quốc gia.
Ngày 23-9-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tiểu đội 2 gồm 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn (13 người đã hy sinh, 1 người còn sống).
|
|