VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT - WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0916.480.772
Hôm nay: 20883  - Tất cả: 21,318,518
 
TIN TỨC > BÁO CHÍ NÓI VỀ TRUÔNG BỒN Bản in - Lượt xem: 844
Truông Bồn - Cõi Thiêng lay động lòng người
Tin đăng ngày: 8/4/2021 - Xem: 844
 
 

Truông Bồn - Cõi thiêng lay động lòng người

Những ngày cuối tháng 10, trời xanh ngăn ngắt, chúng tôi về thăm lại Truông Bồn. Đã từng rất nhiều lần về nơi đây, cố gắng tìm tòi nghiên cứu, rồi nghe nhiều người kể về một thời hoa lửa, nhưng mỗi lần về lại mảnh đất này, chúng tôi ai cũng rưng rưng cảm xúc! 

 

 

Khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Men theo những bậc tam cấp lên khu tưởng niệm 13 liệt sĩ TNXP Truông Bồn, dòng người như lắng đọng lòng mình bởi một giọng nói nhẹ nhàng, đậm chất xứ Nghệ của thuyết minh viên Chu Hà Trang đang chậm rãi thốt nên “Khúc tráng ca Truông Bồn” ngày ấy... “Chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ sáng ngày 31/10/1968, Truông Bồn đã phải hứng chịu 3 đợt oanh kích của máy bay Mỹ. 164 quả bom các loại rải xuống phạm vi 120m chiều dài và 50m chiều ngang. Ngay loạt bom đầu tiên lúc 6 giờ 10 phút, 13 trên tổng số 14 chiến sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) của Tiểu đội 2, Đại đội 317 mãi mãi ra đi ở tuổi đôi mươi. Chỉ 6 chiến sĩ tìm thấy được thi hài còn máu xương 7 chiến sĩ mãi mãi hòa vào đất, trời, hồn thiêng sông núi. Duy nhất cô Nguyễn Thị Thông, Tiểu đội trưởng may mắn thoát chết một cách hy hữu khi đầu nòng súng trường nhô lên khỏi mặt đất nên được đồng đội tìm thấy trong tình trạng ngất xỉu vì bom vùi…”.

Không nghẹn lòng sao được, khi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc, chỉ ngày mai nữa thôi, 7 nữ chiến sĩ của đại đội TNXP 317 sẽ xuất ngũ. Người thì lên đường nhập học; anh Cao Ngọc Hòa - chị Nguyễn Thị Tâm sẽ tổ chức lễ cưới: “Đường làng tháng giêng dài ra hút tắt/Em không về, vắng một cuộc đưa dâu!”... Các chị, các anh được phép không phải ra chiến hào hôm đó. Nhưng vì huyết mạch Truông Bồn, các chị, các anh vẫn cầm súng, cuốc, xẻng. Với họ, tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc, họ lao ra chiến hào. 13 chiến sĩ - 13 ước mơ tuổi mười tám đôi mươi mãi mãi gác lại. Mà đâu chỉ có chị Tâm, làm sao có thể kể hết bao nhiêu cô gái TNXP mãi mãi không bao giờ có niềm hạnh phúc một lần làm cô dâu! Đau đớn hơn, nhiều người đã mang cả tuổi trẻ ra trận, khi hy sinh không tìm thấy thi thể, không có lấy tấm di ảnh, không còn thân nhân để thờ tự. Còn sự hy sinh, mất mát nào lớn hơn thế!

Vinh dự thay, ngay tại “Tọa độ lửa” năm nào, tôi được gặp cô Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng. Chiến tranh kẻ mất, người còn. Nhưng năm nào cô Thông cũng về thăm chiến trường xưa, dù bản thân đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm. Lần nào lên đây cô cũng khóc, cũng ôm lấy phần mộ, rồi ngồi thật lâu bên tấm bia ghi tên những người đồng đội của cô. Cô bắt đầu câu chuyện với tôi trong nước mắt, từng gương mặt, giọng nói, tiếng cười, buổi lao động quên mình trong bom đạn với tinh thần “đường chưa thông, không tiếc máu xương” hiện về trong tâm khảm người phụ nữ đi qua chiến tranh ấy. Cô tâm sự: “Ngày 23/9/2008, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An, cô và đồng đội còn sống mãn nguyện lắm rồi. Đồng đội đã hy sinh của cô tại Truông Bồn cũng đã có thể ngậm cười nơi chín suối”.

Hôm nay đây, dòng người về thăm lại Truông Bồn lòng rưng rưng xúc động khi thắp nén tâm nhang dâng lên anh linh của các liệt sĩ TNXP. Lần giở cuốn sổ lưu niệm tại đây, sống mũi tôi cay xè, mắt ngấn lệ khi đọc lại dòng bút tích của một du khách người Mỹ, ký tên là Alfred Postell: “Tôi đã từng đi thăm nhiều đài tưởng niệm chiến tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng không có nơi nào mang lại xúc cảm mãnh liệt như Truông Bồn. Nó mang lại cho người ta cảm giác vừa đau đớn, vừa kinh ngạc. Từ một đài tưởng niệm hữu hình, nó khắc ghi trong tim mỗi người một đài tưởng niệm vô hình mà day dứt, không thể nào quên!”.
Xuôi theo quốc lộ 15A quãng không xa, chúng tôi đến với mộ phần liệt sỹ, Thiếu úy Hoàng Kim Giao thì gặp cựu chiến binh Phạm Văn Cư, là đồng đội được anh Giao nhường mạng sống cho mình. Ngày giỗ, Tết năm nào bác Cư cũng đến thăm đồng đội, bác cho biết, anh Giao là cán bộ khoa học trẻ, quê ở Hải Phòng, có 2 bằng đại học, thông thạo 4 ngoại ngữ, thay vì đi học tại Liên Xô, anh xung phong vào tuyến lửa Khu 4 để huấn luyện và trực tiếp phá dỡ thành công 32 quả bom nổ chậm và tháo đầu nổ 40 quả bom từ trường. Ngày 29/12/1968, khi biết vợ bác Cư vừa sinh con, anh dành lấy việc phá quả bom MK36, chứa 300 kg thuốc nổ từ tay bác Cư với lời nhắn nhủ: “Để con trai cậu được nhìn thấy bố…”.

Rồi anh và đồng đội là Lương Trung Tín, quê ở Thái Bình thực thi nhiệm vụ. Không may, quả bom phát nổ, thân xác anh và đồng đội tan vào đất mẹ. Một phần nhỏ thi thể của hai anh tìm được, đem chia làm đôi và an táng cùng nhau. Mộ phần của hai anh được tôn tạo sạch, đẹp, nằm cạnh Quốc lộ 15A, bên hố bom lịch sử, cũng thuộc quần thể Khu di tích Truông Bồn. 

Sự mất mát, hy sinh nào cũng đáng trân trọng! Càng trân trọng và tự hào khi đó là sự mất mát, hy sinh vì nước, vì dân. Tấm gương của các TNXP ở Truông Bồn là như vậy - sự hy sinh cao cả này xứng đáng với niềm tự hào của cả dân tộc, nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn trân trọng, giữ gìn! Bởi linh hồn bất diệt của các chị, các anh đã hòa cùng khí thiêng sông núi để giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Truyền thống Lạc Hồng của chúng ta là như vậy. Dọc chiều dài đất nước, suốt cuộc trường chinh chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, khí tiết oanh liệt, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do ngời sáng khắp nơi nơi.

Cũng như mọi người, trong lòng chúng tôi hôm nay xen lẫn niềm vui và xúc động. Vui vì Khu tưởng niệm Truông Bồn đã được xây dựng lại khang trang, bề thế trên diện tích 217.327m2, gồm 21 hạng mục chính; bàn thờ của 1.240 liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn đã tỏa ngát hương hoa, tri ân các chị, các anh, những người anh hùng đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”! Xúc động vì tấm lòng thành kính của các thế hệ đi sau biết trân trọng, giữ gìn truyền thống cách mạng. Rời Truông Bồn, tôi cảm nhận một màu xanh tràn đầy nhựa sống đang trỗi dậy ở nơi một thời là “tọa độ lửa”. Lời bài thơ “Âm vang Truông Bồn” của Hoàng Thi cứ văng vẳng trong tôi suốt chặng đường về: “Em hát lời đất mẹ/Truông đỏ máu kiên cường/Tôi ru lời lặng lẽ/Khấn mười ba linh hồn…”.

                     Nguyễn Văn Đổng 

<< Báo chí nói về Truông Bồn >>
  Trang chủ | Giới thiệu | Tin tức | Tiểu đội Anh hùng | Chiến công | Tri ân | Thơ văn | Video - Bài hát | Liên hệ | Diễn đàn Len dau trang
Trang thông tin điện tử: "truongbon.vn"
Bản quyền thuộc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Truông Bồn
Ghi rõ nguồn gốc: truongbon.vn khi phát hành thông tin từ Website này
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An: 
Trưởng ban biên tập: Giám đốc - Phan Trọng Lộc