Trong những năm tháng vô cùng khốc liệt của cuộc chiến tranh bắn phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, cùng với nhiều địa danh khác trên tuyến lửa Quân khu 4 như Linh Cảm, Khe Giao, Ngã ba Đồng Lộc, bến phà Long Đại, Bến Thuỷ... Truông Bồn cũng là trọng điểm túi bom và được mệnh danh cửa tử. Địa danh Truông Bồn nằm ở địa thế hiểm trở, hai bên là sườn đồi, giữa là con đường độc đạo. Trên đoạn dài khoảng 15km nhưng chỉ tính riêng từ tháng sáu đến tháng mười năm 1968, không lực Mỹ đã trút xuống nơi này 2.692 quả bom các loại, cày xới làm hư hỏng và đốt cháy hàng trăm xe ô tô chở hàng hoá, vũ khí của ta trên đường chi viện vào mặt trận phía Nam. Cũng tại trọng điểm ác liệt Truông Bồn đã làm hơn 200 cán bộ, chiến sỹ bộ đội phòng không, công binh Quân khu 4 và Đại đội TNXP 317, 304 bị thương và hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Riêng miền quê nghèo xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương cũng phải hứng chịu nhiều đau thương, mất mát với 41 người chết và bị thương do bom Mỹ ném xuống.
Được biết trong những năm tháng giặc Mỹ đánh phá ác liệt đó, trên con đường chiến lược này đã từng lưu dấu chân nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội ta về thăm, kiểm tra, động viên tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các chiến sỹ bộ đội, TNXP và nhân dân xã Mỹ Sơn Để bảo đảm thông suốt cho tuyến đường vận tải quân sự mang tên Hồ Chí Minh, tháng 7-1968, trên cung đường này, ngoài lực lượng bộ đội còn được tăng cường thêm lực lượng TNXP. Những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi tuổi xuân phơi phới tạm gác bút nghiên, đèn sách từ các huyện Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Diễn Châu... nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, tình nguyện đi đến những trọng điểm ác liệt nhất làm nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom, ứng cứu, giải toả và bốc chuyển hàng hoá,... bảo đảm an toàn cho xe ra tiền tuyến.
Đại đội 317 lúc bấy giờ là đơn vị chủ lực đã được điều động liên tục đi ứng cứu, vận chuyển, sơ tán hàng hoá, san lấp hố bom, rà phá bom mìn tại những trọng điểm giao thông như khe Thần, cầu Cấm, cầu Gang, cầu Bùng, Bến Thuỷ trên quốc lộ 1A.... Ngày 19-2-1967, đơn vị được lệnh chuyển đến Truông Bồn, một trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Với tinh thần: "tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc gãy cầu như gãy xương, đứt cầu như đứt ruột; sống anh dũng bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm bảo đảm mạch máu giao thông. Mười bốn chiến sỹ tiểu đội 2 thuộc đại đội 317 vừa làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày, cùng đơn vị bám đường san lấp hố bom, đêm dùng bẹ chuối rải và mặc áo trắng làm cọc tiêu sống; cho những đoàn xe nối nhau ra trận. Khúc tráng ca bất tử của “tiểu đội thép”
Ngày máu lửa định mệnh của mười một cô gái và hai chàng trai của tiểu đội hai, đại đội 317, TNXP Nghệ An anh dũng hy sinh tại Truông Bồn đúng ngày cuối cùng của tháng mười (31-10-1968). Đó là những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến phá hoại bằng không lực Mỹ trong giai đoạn 1964 -1972. Biết được tuyến đường 15 là huyết mạch giao thông quan trọng nhất để chi viện vũ khí, lương thực, thuốc men... từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, Mỹ đã ngày đêm cho không lực oanh tạc, điên cuồng bắn phá bằng các loại bom có sức công phá lớn. Theo lệnh của Ban chỉ huy đội, vào 4 giờ ngày 31-10-1968, sau nhiều trận bom rải xuống cày nát cắt đứt tuyến đường vào ngày hôm trước(30-10-1968), tiểu đội 2 phải có mặt ngay trên mặt đường. Bằng mọi giá phải san lấp hố bom, giải phóng đường cho xe qua.
Tổ trực chiến tiểu đội 2 ngày đó gồm mười bốn chị em cùng hai nam TNXP (trong đó có bốn nữ thuộc nhiệm kỳ 1 đã có quyết định cầm tay ra Hà Nội đi học) nhưng trước tình hình khẩn cấp đã tình nguyện ở lại ra mặt đường với đồng đội do Chị Trần Thị Thông làm tiểu đội trưởng. Đến 6 giờ 10 phút khi công việc sắp hoàn thành theo kế hoạch thì bất ngờ có báo động. Một tốp máy bay phản lực của Mỹ lao tới trút xuống một lúc hàng trăm quả bom có sức công phá lớn. Truông Bồn chìm trong biển khói mù mịt. Vừa ngớt tiếng bom, cả đại đội 317 và các đơn vị bạn cùng nhân dân xã Mỹ Sơn hối hả lao vào làn khói dồn sức đào bới, tìm kiếm những chiến sỹ đang bị vùi lấp dưới chi chít những hố bom. Dù đã dốc sức cố gắng nhưng chỉ duy nhất một mình chị Trần Thị Thông, tiểu đội trưởng may mắn được tìm thấy và cứu sống do nòng súng còn thòi lên mặt đất. Mười ba chiến sỹ TNXP, trong đó có 11 chiến sỹ nữ và hai chiến sỹ nam có mặt hôm đó đã vĩnh viễn ngã xuống nơi mảnh đất này. Trong số những người hy sinh trên có bảy người không tìm được thi thể.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua vùng đất Mỹ Sơn, Truông Bồn đã dần lành vết thương bom đạn, nhưng sự hy sinh quả cảm của các anh, các chị đã hoà cùng nốt nhạc hùng tráng bản anh hùng ca bất tử trong lịch sử chống xâm lăng vì độc lập tự do của dân tộc. Những chiến sỹ TNXP hy sinh tại Truông Bồn mãi mãi là những đoá hoa bất tử cho muôn thế hệ người Việt Nam yêu nước noi theo. |