VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT - WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0916.480.772
Hôm nay: 21298  - Tất cả: 21,318,933
 
TIỂU ĐỘI ANH HÙNG > TIỂU ĐỘI ANH HÙNG Bản in - Lượt xem: 14756
AHLS Nguyễn Thị Hoài - Cô gái làng Đại Bần
Tin đăng ngày: 8/9/2014 - Xem: 14756
 

Nguyễn Thị Hoài (Đoàn viên)
Sinh ngày: 17/7/1951
Mất ngày: 31-10-1968
Quê quán: Hưng Yên - Hưng Nguyên

    Trong số 13 liệt sỹ Truông Bồn thì Nguyễn Thị Hoài là người trẻ tuổi nhất, cô sinh ngày 17 tháng 7 năm 1951, tuổi Tân Mão. Khi hi sinh mới 17 tuổi ba tháng rưỡi và đi TNXP vừa được 9 tháng 20 ngày thì cả 9 tháng 20 ngày ấy đều ở Truông Bồn, một tọa độ lửa ác liệt nhất nhì khu 4 lúc bấy giờ. Trong hai năm, năm 1967 và 1968, địch đánh phá miền Bắc quyết liệt nhất, những Hàm Rồng, Hoàng Mai, Cầu Cấm, Bên Thủy, Phương Tích, Linh Cảm, Địa Lợi, Đồng Lộc và và Truông Bồn là tọa độ lửa, là túi bom, đủ các loại bom, từ trường, nổ chậm, hẹn giờ, sát thương, phá ngầm...hòng cắt đứt những điểm yếu ấy, làm cho đường vận chuyển của miền Bắc bị tê liệt. Tại Truông Bồn từ cuối năm 1967, hàng ngày chịu hàng trăm trận oanh kích của địch, không kể ngày đêm, hoàng hôn hay gần sáng.

     Quê Nguyễn Thị Hoài thuộc thôn Đại Phú, xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh, một phong trào cách mạng có một không hai thế giới. Bố là Nguyễn Văn Khánh, suốt đời làm Ruộng, mất năm 1982. Mẹ cô là Nguyễn Thị Miện, năm 2011 bà 94 tuổi là một trong hai người mẹ còn sống của tiểu đội anh hùng liệt sĩ Truông Bồn. 94 tuổi nhưng bà vẫn minh mẫn, tỉnh táo, người gầy gầy xương xương, đi đứng vẫn thẳng, đôi mắt săc sảo và đầy nghị lực. Ai coa chứng kiến những gian truân và mất mát trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời bà mới thấy bà sống được đến ngày hôm nay là vì bà có một nghị lực phi thường. Côn trai lớn của bà, tức là anh cả Hoài, bộ đội xuất ngũ trở về thì mất năm 1967, trước Hoài một năm, để lại cô vợ hai mươi mấy tuổi và ba đứa con, đứa lớn chưa đến 5 tuổi. Năm sau, đứa con dâu góa bụa cũng chết, cùng năm với Hoài, trước Hoài vài tháng. Trong hai năm liền, bà mất ba đứa con, tang chồng lên tang. Hoàn cảnh thật là bi đát, em trai Hoài đang học lớp 6 đành bỏ học xin đi làm lấy tiền nuôi ba đứa cháu mồ côi. Rồi trời cũng thương, ba đứa cháu được bà nội bao bọc lớn dần. Đên năm cháu nội bà hai mươi tuổi, bà cưới vợ cho nó. Nó ngoan ngoãn, chăm làm, chắt góp. Bà có thêm hai chắt nội. Thằng cháu đang làm nhà dở dang, đi khám thì lại phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Thế là tiền làm nhà lại đổ vào chữa bệnh cho cháu, nhưng cháu cũng không sống được với bà, để lại cho bà cô cháu dâu đầu xanh tuổi trẻ và hai chắt nội chưa đếnn tuổi đi học mà một đứa thì bị tàn tật đặt đâu ngồi đó. Thế la bà nuôi cháu, cháu chết lại nuôi chắt.

Quê Hoài là làng Bần, ở bám trên triền núi Đại Bần, nhà sau cao hơn nhà trước, ngõ xóm cũng dốc thoai thoải. Không biết ai khéo đặt tên cho núi là núi Đại Bần, mà làng lại là làng Bần, có phải vì thế không mà cả làng không ai giàu lên được. Nhà Hoài ở thôn Đại Phú, là ước mong vậy thôi, chứ Đại phú không giàu hơn ai trong cái làng Bần này, làng trải ra trên triền núi, ra khỏi ngõ là lên dốc hoặc xuống dốc, nhà ai vườn cũng nhỏ ngoài cái sân, chuồng bò, cây rơm cây rạ, chỉ trông thêm vài mươi gốc chanh, luống chè xanh, gốc mít. Cây cối không tươi tốt như những vùng quê khác vì thiếu nước

Cả làng chỉ có một cái giếng dưới xa, giáp chân ruộng. Kêu là giếng thiên. Mùa hạn thì khổ lắm, nước giếng cạn chỉ còn lại cái vũng dưới đáy, múc nhiều là can, phải chờ cho mạch nước chảy ra. Mùa hè, chen nhau từng khênh nước. Tuổi như Hoài, con trai, con gái không dám ngủ. Cả đêm thức để đi khênh nước, chía nhau mỗi người một thùng, khênh về rồi lại xuống đợi đến lượt mình. Tuổi thơ của Hoài không để ý đến ăn khổ, mặc rách, vô tư cùng bạn bè chăn trâu cắt cỏ cười đùa suốt ngày và hát những bài ca ra trận như đi hội làm lòng người ai cũng nao nao

   Hoài học đến lớp 6 trường cấp I - II Hưng Yên Trung rồi phải bỏ. Nhà Hoài năm ấy vô cùng sầu thảm. Anh cả chết khi tuổi còn trẻ, chị dâu thì ốm lên ốm xuống, ba cháu nhỏ còn dại thì ai nuôi. Thôi đành bỏ học. Năm ấy chiến tranh ở vào lúc ác liệt nhất, có đợt tuyển thanh niên đi thanh niên xung phong. Chi đoàn họp,  phổ biến chỉ thị, mọi người ồn ào, hỏi đợt này lấy bao nhiêu, bao nhiêu nữ bao nhiêu nam, mười bảy hay mười tám mới được đi. Chưa nghe phổ biến xong mọi người đã giơ tay. Bí thư chi đoàn ghi tên những người xung phong lên xã, hôm sau thông báo những ai xung phong thì được đi, tập trung lên xã rồi xã đưa lên huyện đoàn. Đợt ấy mỗi xã chỉ lấy mươi người, Hoài, Minh, Mai, Tuyết Vân cùng đi trong đợt ấy. Hoài nao nức cả đêmkhông ngủ được. Mẹ bảo, con không đi được thì ở nhà lấy chồng, đi thanh niên xung phong biết khi mô về? Con địnhn ở già à? đi vài ba năm, con lại về, già răng được, mẹ nỏ phải lo, Hoài bảo. Nhưng tau vẫn cứ lo, con gái ra nơi bom đạn, răng không lo cho được. Hoài cười động viên mẹ, đã nói mẹ đừng có lo, con đi thanh niên xung phong đánh giặc cứu nước xong đã rồi mới về lấy chồng. Mẹ nguýt, khi nớ về ma lấy ông già à? Đã nói mẹ đừng có lo, Hoài ngượng phát gắt lên, mẹ bảo vậy.

   Gia đình có con đi thanh niên xung phong, hợp tác xã cho ứng trước 5 cân ló. Mấy chị em xay giã ngay trong buổi tối, hí hửng lắm vì nhà lâu không còn thóc để xay giã, Hoài đi chào chú bác cụ dì bên nội, bên ngoại mãi đến nửa đêm mới về. Đin nằm Hoài lục đục cả đêm không ngủ. Mẹ Hoài cũng không ngủ được, con gái mẹ mới mười bảy tuổi, non nớt thế mà đến nơi bom đạn. Mẹ không thể không nghĩ, không lo. Mẹ đã biết thế nào là mất mát đau thương. Bàn thờ con trai cả còn nghi ngút hương khói. Lòng mẹ nào trước con cái mà cứng rắn được?

   Mẹ dậy sớm, nấu cho con bữa cơm tiễn con gái lên đường. Cơm không phải độn sắn hoặc khoai như ngày thường, cả nhà ăn vui vẻ. Có cá rô đồng kho tương, cũng tự tay mẹ nấu từ tối hôm trước. Có bát nhút nữa. Bữa cơm bình thường ấy là bữa cơm tiễn con đi để mãi không trở về nên mẹ không thể quên được. Còn hơn cân gạo, mẹ bảo con mang đi ăn đường nhưng Hoài không mang. Năm cân thóc hợp tác xã cho ứng trước, chỉ còn lại hơn cân gạo, bữa trưa, bữa tối nay các cháu không còn gì, Nhà lâu lắm không có hạt gạo, Hoài chỉ lắc đầu, không nói gì. Mẹ cũng đã bán con gà được mấy đồng chuẩn bị cho Hoài mang đi, Hoài đành cầm mấy đồng bạc mẹ đưa. Đi xa không lẽ không có xu nào?

      Hoài đi thanh niên xung phong được mấy tháng, chị dâu cả ốm rồi mất, cũng không về được. Hoài  chỉ nhận được thư anh chị báo, buồn mất mấy ngày. Giữa năm 68, máy bay Mỹ đánh Truông Bồn kinh khủng. Ở xã Mỹ Sơn, bom nó đánh vào đám cưới chết một lúc năm mươi người, cả cô dâu chú rể. Đường khi nào cũng có bom, có một đoạn dốc Cũi Lợn mà mấy chục hố, san xong lại bị đánh, đánh xong lại san lấp.

       Có một dạo ở nhà ồn lên vì nghe tin đồn đơn vị thanh niên xung phong đi lấy gạo, Hoài bị chết trôi ở sông cả. Mẹ không ngồi yên, hốt hoảng cả đêm, bắt bố lên Truông Bồn hỏi tin. Hoá ra không phải, chuyện ở đơn vị TNXP khác, cũng người tên là Hoài. Nhưng rồi đại đội 317 cũng cho Hoài về thăm nhà mấy hôm. Từ khi đi đến nay Hoài chưa được nghỉ phép, cũng chưa đượ vê thăm nhà ngày nào. Em về mấy ngày cho cha mẹ yên tâm, chiến tranh còn dài và ác liệt không sợ hết  đâu em? Chị trong tiểu đội 2 đùa bảo vậy, cho Hoài yên tâm ra về. Được về nhưng Hoài vẫn vừa mừng, vừa lo. Bom đạn đầy trời, ở đâu cũng có tiếng bom nổ. Đơn vị đang ở trong giai đoạn" Chiến dịch 100 ngày đêm quyết thắng" không để một giờ tắc đường. 

      Ở nhà được mấy ngày. Hoài lại ra đi, đi về hướng bom nổ từng dây dài. Mấy ngày thôi nhưng đây là lần thăm nhà duy nhất của Hoài, để mẹ, để cha nguôi nguôi nhớ. Tết ngưng bắn, con về lâu lâu, mẹ đừng lo lắng gì. Quả là mẹ cũng đỡ lo lắng và nỗi nhớ đang nguôi nguôi thì một tuàn sau có tin Truông Bồn có đơn vị TNXP bị bom chết cả tiểu đội mười mấy cô gái, loang ra toàn cả tỉnh. Rồi có tin Hoài cũng ở trong tiểu đội đó. Ông Khánh, cha Hoài, lặng lẽ một mình đi bộ lên Truông Bồn tìm xác con. Còn mẹ Hoài ngất xỉu, trong mê man bà vẫn kêu không tin, không tin, không lẽ ông trời một năm bắt mất của tôi những hai đứa con....

      Hoài nhập ngũ đi TNXP là có mặt ngay tọa độ lửa Truông Bồn, tham gia ngay vào những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến đối mặt hàng giwof, hàng ngày với cái chết. Nhập ngũ ngày 10 tháng 1 năm 1968 bổ sung cho tiểu đội 2 đại đội 317.

      Khi loạt bom tọa độ ném xuống Truông Bồn lúc 6 giờ 10 phút hôm đó, Hoài đang làm cùng Văn, Dung, Hiên và cạnh đó là Nhung, Hòa, Tâm, khi khói bom tan thì tất cả họ, sáu cô gái và một chàng trai, chỉ còn sót lại một cánh tay. Hoài không còn lại chút gì cả, cũng như sáu người khác không còn lại chút gì, họ đã  biến thành gió, thành hương để ngày ngày phảng phất cho hoa cỏ Truông Bồn.

     

 

 

 

 

 

 

 

.

 

 

 

 

 

 

<< Tiểu đội Anh hùng >>
  Trang chủ | Giới thiệu | Tin tức | Tiểu đội Anh hùng | Chiến công | Tri ân | Thơ văn | Video - Bài hát | Liên hệ | Diễn đàn Len dau trang
Trang thông tin điện tử: "truongbon.vn"
Bản quyền thuộc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Truông Bồn
Ghi rõ nguồn gốc: truongbon.vn khi phát hành thông tin từ Website này
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An: 
Trưởng ban biên tập: Giám đốc - Phan Trọng Lộc