Từ Ga xe lửa Biên Hòa, tôi ngồi tàu SE6 chạy hơn 25 tiếng mới đến TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), rồi đón thêm một chuyến ô tô nữa là có mặt tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
|
Người dân viếng thăm ngôi mộ chung của 13 thanh niên xung phong (thuộc Đại đội 317) trong Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (tỉnh Nghệ An). |
Dù biết rằng Truông Bồn là một địa danh huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ khi nhìn thấy khu di tích lịch sử này được tôn tạo và xây dựng (phần lớn là kinh phí xã hội hóa) một cách hoành tráng, trang nghiêm đến như vậy.
* Cung đường “bất tử”
Tôi cũng hết sức xúc động khi nhìn thấy tượng 13 thanh niên xung phong (TNXP) đã hy sinh trong trận ném bom ác liệt vào sáng 31-10-1968. Trên ngôi mộ chung của 13 anh hùng, liệt nữ TNXP Truông Bồn, ngoài hoa tươi, khói nhang nghi ngút còn có cả những chùm bồ kết khô và gương, lược, phấn son…
Từ năm 1964-1968, quân đội Mỹ đã trút xuống “tọa độ lửa” Truông Bồn hơn 18,9 ngàn quả bom các loại và hàng ngàn quả tên lửa, rốc-két; tàn phá 211 thôn làng, phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo. Đặc biệt đã gây tử vong cho 458 cán bộ, chiến sĩ giao thông vận tải, 505 TNXP; làm bị thương hơn 22 ngàn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng.
|
Thấy tôi nhìn những lễ vật này với vẻ ngạc nhiên, một bà cụ đang đứng khấn vái nói: “Các o còn trẻ lắm. Thời đó, sau mỗi trận bom mặt o nào o nấy đen nhẻm, lấm lem khói bom và đất đá. Ấy vậy mà các o cứ cười, có o còn chui vào nhà tôi lục cơm nguội để ăn”. Cụ già cho biết, bà là một trong số ít người dân đã bám trụ ở cuối Truông Bồn (đoạn dốc Kỳ Lợn) vẫn thường ra đây thắp nhang tưởng nhớ những TNXP anh dũng năm xưa.
Những tháng đầu năm 1968, khi thấy tình hình chiến trường miền Nam biến chuyển mạnh, không quân Mỹ bèn tổ chức đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn chi viện cho miền Nam. Tuyến đường 15A (đoạn qua các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) dài gần 200km trở thành tuyến đường chiến lược trong huyết mạch giao thông của hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đó, Truông Bồn là “điểm thắt cổ chai” có vị trí hiểm yếu nhất. Đây là đoạn đèo dốc hiểm trở nằm ở độ cao 70m trên dãy núi Thung Nưa với chiều dài khoảng 5km (khởi từ dốc U Bò đến cuối dốc Kỳ Lợn); 2 bên được các ngọn núi Voi, Mồng Gà, Cột Cờ… che chở; lại có nhiều khe suối, sườn đồi khá thuận lợi trong việc giấu xe, giấu hàng, ém quân.
Phát hiện ra vị trí “yết hầu” của Truông Bồn, không quân Mỹ lập tức tìm cách hủy diệt. Để biến Truông Bồn thành “cửa tử”, bên cạnh việc dội bom đánh sập toàn bộ 30 cây cầu, phá tan 70km khu vực đồi dốc cao, bãi lầy…, trên tuyến đường 15, không quân Mỹ còn dùng cả bom từ trường, bom hẹn giờ gắn bộ phận chống tháo gỡ ngòi nổ… ném liên tục xuống Truông Bồn. Cũng tại “tọa độ lửa” này lần đầu tiên, không quân Mỹ thả “cây nhiệt đới” - một loại thiết bị điện tử dò tiếng động cơ giới để phát hiện và báo địa điểm có xe vận tải đang di chuyển cho máy bay ném bom.
* Làm nên huyền thoại Truông Bồn
Với quyết tâm sắt đá “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ TNXP, giao thông vận tải, bộ đội công binh, pháo binh, dân quân Nghệ An; nổi bật là các đơn vị Công binh D30, Phòng không H22, Đại đội TNXP 317, dân quân Mỹ Sơn và Nhân Nghĩa đã bám chặt Truông Bồn đào hàng ngàn mét giao thông hào, hàng trăm hầm trú ẩn cá nhân hình chữ A và lập đài quan sát trên các điểm cao, luân phiên nhau ngày đêm canh chừng, phát hiện máy bay giặc để kịp thời giăng lưới lửa đánh trả, bảo vệ bầu trời và tuyến đường 15A độc đạo nhưng vô cùng quan trọng này.
|
Người dân viếng thăm ngôi mộ chung của 13 thanh niên xung phong (thuộc Đại đội 317) trong Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (tỉnh Nghệ An). |
Góp phần biến “cửa tử” Truông Bồn thành “cung đường bất tử” cũng đã xuất hiện một nhân vật huyền thoại là chiến sĩ công binh Nguyễn Tâm Cớn - Tổ trưởng tổ phá bom C317 nổi tiếng với sáng kiến dùng công cụ thô sơ (thỏi nam châm cột với cuộn dây cước) phá gần 300 quả bom nổ chậm, bom từ trường của Mỹ.
Báo cáo điển hình tại Hội nghị thi đua “2 giỏi” toàn miền Bắc năm 1972, chiến sĩ Nguyễn Tâm Cớn cho biết: “Khi xác định được vị trí của bom, người đánh bom phải quan sát, tìm vị trí tiếp cận gần nhất, dùng xẻng gỗ đào hầm tránh sức ép và mảnh bom. Sau đó, tung cuộn dây cột thỏi nam châm sao cho vượt vị trí quả bom nằm vài ba mét rồi chầm chậm rút dây về. Thỏi nam châm phát sóng từ đủ mạnh gây nổ bom ở khoảng cách an toàn cho người phá bom”.
Để tạo nên huyền thoại Truông Bồn còn không thể không nhắc đến sự hy sinh đầy bi tráng của “tiểu đội thép” TNXP thuộc Đại đội 317. Đại đội này được điều đến Truông Bồn từ đầu năm 1967. Để đáp ứng tình hình, vào tháng 7-1968, đơn vị TNXP đã chọn ra 14 người (gồm 12 nữ và 2 nam) thành một tiểu đội chuyên làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ để quan sát, cảnh báo máy bay địch xuất hiện, đánh dấu bom nổ chậm, phối hợp cùng công binh phá bom…
Đứng giữa “tọa độ lửa” nhưng “tiểu đội thép” luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông, trong tiểu đội có 8 người đã hết hạn phục vụ và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xét chọn cho xuất ngũ.
Bà Trần Thị Thông, hiện đã 72 tuổi, nguyên là Tiểu đội trưởng “tiểu đội thép” và cũng là người sống sót duy nhất trong trận ném bom vào sáng 31-10-1968 làm chết 13 TNXP, kể lại: “Mặc dù đã hoàn tất các thủ tục, liên hoan chia tay, không có tên ra hiện trường nhưng 8 chiến sĩ vẫn xin ở lại để cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ san lấp hố bom, thông đường cho đoàn xe quân sự vượt Truông Bồn”.
Cả 13 TNXP ngã xuống Truông Bồn vào cuối cuộc chiến, khi còn chưa đầy 18 giờ trước khi Mỹ thực hiện lệnh ngừng ném bom toàn miền Bắc, có tuổi đời rất trẻ, chỉ từ 17-22. Tất cả đều chưa vợ, chưa chồng. Đau xót nhất là có những người đã chia tay đồng đội, chuẩn bị trở về hậu phương và đang có những dự tính cho tương lai đã mãi mãi nằm xuống Truông Bồn.
Bùi Thuận |