Vắng một cuộc đưa dâu
Đêm 30/10/1968, lúc này đúng ra là mồng 8 tháng 9 âm lịch.
Trăng mùa bắt đầu nhú trên những quả đồi bị cạo trọc, vằn vện lổn nhổn hố bom.
Sau khi ăn bát cơm độn ngô ở nhà mẹ Thởm, tiểu đội trưởng Trần Thị Thông gọi anh chị em đến tập trung để chuẩn bị liên hoan văn nghệ.
Ngày mai, sẽ có một đơn vị bộ đội kết nghĩa lên đường vào miền Nam chiến đấu, nên đêm nay, anh em tổ chức "liên hoan", chia tay.
Ảnh Tư liệu
Tất cả tập trung ở khu nhà kho. Mấy chiếc đèn dầu được thắp lên. Không bánh, không kẹo, chỉ có một nồi nước chè xanh mà các mẹ mang tới.
Mới 7 giờ tối, tiểu đội của Trần Thị Thông đã có mặt. Với nhiều người, đây là buổi liên hoan bình thường như bao buổi liên hoan, tiễn bộ đội lên đường vào miền Nam chiến đấu.
Nhưng, với tiểu đội 2, đây là một đêm đặc biệt. Sau đêm này, Nguyễn Thị Tâm và Cao Ngọc Hòa sẽ về quê làm lễ đính hôn.
Một số người còn lại thì đã nhận giấy báo nhập học, chuẩn bị rời xa trận địa.
Hai năm trời thầm yêu thương nhau, Hòa và Tâm hẹn với nhau ngày mai sẽ về quê Tâm để ra mắt gia đình.
Ngày về thăm nhà gần đây, Hòa đã nói với gia đình, rằng đầu tháng, sẽ đưa Tâm về giới thiệu với gia đình và làm lễ ăn hỏi.
Mẹ Tâm nghe thế thì mừng lắm. Bà rối rít bảo với anh trai Hòa là Cao Ngọc Lợi chạy ra vườn hái ít cam, rồi ra chợ mua thêm ít cau trầu và chai rượu để dạm ngõ.
Tờ mờ sáng ngày 30/10, mẹ của Hòa và anh trai vượt cả chục cây số, đi bộ từ Diễn Châu sang Yên Thành để hỏi vợ cho con.
Ngày đó, bom đạn đánh phá ác liệt nên phải mất mười mấy tiếng đồng hồ, gia đình Hòa mới tìm được nhà Tâm.
Một mâm cơm đạm bạc được dọn ra. Cả nhà ngóng chờ mãi nhưng không thấy Tâm và Hòa về.
Mẹ Tâm bảo với mẹ Hòa: “Chúng nó chắc không về được. Thôi, thì cứ coi như chúng đang có mặt ở đây. Sắp đình chiến rồi, chắc một hay hai ngày tới, chúng nó lại về”.
Đêm đó, mẹ và anh trai Hòa ngủ lại tại nhà con dâu tương lai.
Ảnh Tư liệu
Ai cũng mong trời sáng thật mau để Tâm và Hòa về với gia đình. Ai cũng mong Tâm và Hòa về nhanh, bởi gia đình Hòa chưa biết mặt mũi con dâu thế nào.
Lần Hòa về ghé qua gia đình, bảo chuyện lấy vợ, mẹ gượng hỏi thì Hòa mặt mũi đỏ tía tai, gãi đầu gãi tai rồi bỏ chạy.
Nhà Tâm cũng thế, chưa biết mặt mũi con rể tương lai thế nào.
Buổi liên hoan văn nghệ kết thúc sớm để ban chỉ huy đại đội hội ý với các tiểu đội. Buổi hội ý chỉ xoay quanh mấy vấn đề: chỉ còn mười mấy tiếng đồng hồ nữa là lệnh ngừng bắn tạm thời từ vĩ tuyến 19 trở ra có hiệu lực. Vì thế, địch sẽ tăng cường bắn phá tại những điểm chiến lược.
Đêm cuối
Kết thúc buổi liên hoan, Hà Thị Đang và Trần Thị Thông về nhà mẹ Thởm để ngủ.
Chị Thông lên giường nằm trước, còn Đang thì chuẩn bị hành lý để ngày mai về quê, nhập học.
Qua ánh đèn dầu leo lét, Thông nhìn thấy bóng Đang nhỏ thó hắt ngược lên phên nứa.
Đang xếp gọn mấy cái áo bay đã sờn vai, lỗ chỗ miếng vá cùng với võng dù cho vào va ly. Gia tài thời chiến của chị chỉ có thế.
Ảnh Tư liệu
Đêm cuối thu lành lạnh. Gió từ bên kia mạn đồi thốc ngược vào. Chị Thông kéo tấm chăn mỏng đắp cho Đang.
Thấy Đang cứ mãi trở mình, chị Thông giục:
- Ngủ sớm đi, mai lấy sức đến trường!
- Em chẳng ngủ được. Sắp phải xa các chị, xa trận địa rồi, nhớ lắm. Mà sáng mai, em vẫn ra trận địa với các chị. Làm buổi cuối để chia tay với cuốc xẻng.
- "Ngày mai em phải lên đường, chuẩn bị đi học rồi, đừng ra trận địa nữa. Làm cả tháng, cả năm, khổ như rứa còn không chán à” – vừa trở mình, chị Thông vừa mắng Đang .
- “Còn ở trận địa ngày nào, em còn làm ngày đó. Hàng ngàn ngày đêm ở đây còn nỏ sợ, sợ chi một bữa. Sau này, có muốn quay trở lại để san lấp hố bom cùng các chị cũng không còn cơ hội nữa” – giọng Đang đều đều.
Thấy chị Thông im lặng, Đang quay sang ôm và hỏi: “Trước, em trốn mẹ đi TNXP, chị biết vì cái chi không?”.
Không đợi cho chị Thông trả lời, Đang nhoẻn miệng: Là vì cái áo bay của TNXP đó chị. Ngày nớ, thấy mấy anh chị đi TNXP về, nhìn thấy bộ quần áo, em thích lắm. Thế là thừa lúc mẹ ra đồng, e xuống bếp xúc một lon gạo, gói kỹ trong khăn mùi soa, buộc chặt ở tay rồi trốn đi.
Chị Thông ôm chặt Đang vào lòng như ôm đứa em gái ruột thịt. Hai năm trời ở cùng nhau, chiến đấu cùng nhau, Đang là người mà chị rất yêu quý.
Có lần, Đang đùa vui với chúng bạn, rằng: “Khi mô tau chết, tài sản được chia như sau: đôi dép và chiếc ba lô cóc đứt một bên quai là phần của cha. Mẹ thì được hai áo lót, một cái áo mồi và cái áo đại cán có hai cái túi to, tuy sờn bạc nhưng là vải Tô Châu chính hiệu. Anh cả ở quê nhiều muỗi thì được cái màn. Cậu út cho cái tăng, võng. Còn lại hai cái áo con, thuốc đánh răng, bát đũa để lại làm quỹ công cho tiểu đội”.
Cách nhà bà Thởm không xa, Phan Thị Dung và Nguyễn Thị Tâm cũng không ngủ được.
Trước khi đi TNXP, Dung và Tâm ở cùng làng. Nhà Tâm ở xóm 6, còn Dung ở xóm 2, cách nhau 1 quãng đồng.
Chơi thân với nhau từ nhỏ, nên khi lên Truông Bồn, Dung và Tâm được phân ở cùng một nhà.
Đêm không ngủ, Dung quay sang bảo Tâm: “Mi về quê lấy chồng, hú hí với chồng cũng đừng quên tiểu đội nhé”.
Tâm bảo: “Tau lấy chồng rồi, nhưng nhà vẫn ở gần đây. Khi nào nhớ mọi người quá, lại trốn chồng lên trận địa. Mi đi học xa quá, chắc không lên được”.
Cả 2 rối rít trò chuyện. Tâm bảo sau khi cưới chồng, sẽ cố gắng kiếm chút ít tiền để cất một ngôi nhà ở tạm rồi sinh con, đẻ cái. Hi vọng khi con cái sinh ra, sẽ không còn chiến tranh nữa.
“Mà nếu có chiến tranh, tau lại cho con đi bộ đội. Là con trai, cho nó cầm súng chiến đấu. Là con gái, thì cho nó đi TNXP như mẹ nó ấy” – Tâm vừa nhìn ra cửa sổ, vừa bảo với Dung.
Quá 12 giờ, cả 2 tắt đèn dầu đi ngủ. Trước khi ngủ, Dung quay sang nói với Tâm: “Mai hai đứa mình ra trận địa lần cuối nhé. Sau này, có muốn cũng khó”. Tâm gật đầu rồi ngủ thiếp đi.
Cách đó không xa, Trần Văn Hạp cũng không ngủ được. Các o không ngủ còn vì chuyện trò, tâm sự ngày mai đã xa nhau, vì không còn dịp để gần nhau, vì chiến tranh còn kéo dài.
Còn Hạp, anh ngồi như một cái bóng hết đêm hôm đó. Hạp vừa cưới vợ được vài tuần, ở với vợ được một đêm thì lên Truông Bồn.
Hạp đang tính sắp tới xin đơn vị về nhà 1 ngày, sửa lại cái mái nhà cho mưa đỡ dột, ngăn lại mảnh vườn để gà không phá rau.
Nhưng, chẳng ai ngờ được, đêm đó cũng là đêm cuối cùng. Vì ngày hôm sau, 13 TNXP đã ngã xuống, thịt da tan vào đất trời Truông Bồn.
|