Nhưng tháng Mười đã có ngày ba mươi mốt. Sẽ không có “giá như” nếu như ngay ngày hôm sau không phải là ngày giặc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Nếu như không phải là ngày mà 8 người trong số họ vừa hoàn thành nhiệm vụ, hết nhiệm kỳ TNXP, đã ăn bữa cơm chia tay, đã trò chuyện với nhau cả đêm qua để hôm nay sẽ trở về quê nhà, tiếp tục giấc mơ đi học, chăm sóc gia đình hay xây dựng một mái ấm của riêng mình…
________________________
Tôi đã nhiều lần đi qua con đường ấy vào tháng Mười, con đường phẳng uốn lượn giữa hai hàng cây. Trời trên cao xanh trong văn vắt. Bờ dậu nhà ai hoa cúc rực vàng…Tất cả bình yên đến độ, khó có thể nghĩ rằng nơi này đã được gọi là “túi bom”, là “tọa độ lửa”. Khó mà liên tưởng đến một chiến trường khốc liệt khói súng, và hố bom ken dày. Khó có thể nghĩ rằng, đã có những máu xương nằm lại, hòa tan vào đất, đá nơi này, lặng lẽ, vĩnh cửu…
Nhưng ai ở trên mảnh đất này lại không từng biết điều đó? Ai ở trên mảnh đất này lại không biết về cái ngày 31/10/1968? Không từng qua đây mà không từng trầm ngâm nhìn lên cao xanh, những hàng cây rợp bóng kia, không từng ghé qua Khu di tích lịch sử Truông Bồn thắp lên nén hương tưởng niệm những người con gái, con trai tuổi mười tám, đôi mươi không tiếc đời mình cho cung đường huyết mạch? Đó là những dòng tên đã khắc vào bia đá, đã tạc vào lòng người hôm nay: Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa. Họ đã được gọi tên chung là 13 chiến sỹ của “Tiểu đội thép anh hùng” thuộc Đại đội 317- N65-Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước.
Nơi này, hơn nửa thế kỷ về trước… Ở đâu nhỉ, là những căn nhà nhỏ của bà Thởm, bà Lợi, ông Hoạt…, những căn nhà đã chở che những chàng trai, cô gái mở đường cho xe qua, những căn nhà còn lưu dấu hơi ấm của họ những giây phút cuối cùng? Như vẫn líu ríu đâu đây bữa cơm đưa tiễn người đi, kẻ ở. Bữa cơm mà những người con trai, con gái ấy đã gọi đùa là để “tạm biệt cuốc xẻng”, vì ngày mai 8 người trong số họ được trở về. Chị Doãn, chị Đang, chị Phúc, chị Dung, chị Hiên đã cầm trên tay giấy báo nhập học của trường trung cấp, anh Hòa chị Tâm về quê làm đám cưới, chị Bốn về với mẹ vì có anh trai vừa hy sinh trên mâm pháo bảo vệ vùng trời Khu Bốn.
Cách đó vừa 3 năm, họ đã đến cùng những Khe Thần, cầu Phương Tích, cầu Cấm, tới Truông Bồn, hồn nhiên lắm bằng một cánh tay giơ lên xung phong trong buổi họp chi đoàn, hay buổi tuyển quân. Để rồi, trong cái ngày 31/10 định mệnh đó, họ vẫn hồn nhiên đi về phía đạn bom, bình thản chia nhau cục mì nguội trong tiếng kẻng báo thức nôn nao, sớm hơn mọi ngày. Anh chị em trong đại đội đều nói: “Thôi, bay đừng ra nữa, ở nhà mà chuẩn bị lên đường”, nhưng “chỉ còn một giờ ở đơn vị thì còn chiến đấu”. Gian khổ, ác liệt 3 năm qua cùng gánh vác, hà cớ gì chỉ một vài giây phút nữa sẻ chia?
Lúc ấy là hơn 4 giờ sáng. Họ đã mải miết san lấp những hố bom nham nhở. Cái dốc Kỳ Lợn, một bên núi, một bên khe, lúc nào máy bay Mỹ cũng nhằm đây mà đánh. Trong tổng số gần 19.000 quả bom, tên lửa, rocket mà kẻ thù trút xuống vùng đất này thì phần lớn đã rơi vào Truông Bồn. Những đôi chân thoăn thoắt, những đôi tay mải miết. Trong cái hối hả sáng ấy, có những câu chuyện, những hẹn thề còn dang dở.Tất cả đều đã dừng lại sau loạt bom dội xuống dốc Kỳ Lợn, khiến một cột khói và đất đá bốc mãi lên cao, rồi tiếp nữa những quầng lửa trùm lên khắp Truông Bồn.
Trong câu chuyện với chị Lê Thị Hường, nữ TNXP tại Truông Bồn năm xưa, nay sống tại xã Tăng Thành, Yên Thành, chúng tôi được biết, chị là một trong số những người đầu tiên choàng dậy sau loạt bom ấy, nhìn cả một vùng hoang tàn xung quanh, chị thảng thốt gọi: “Có ai còn sống không”? Câu hỏi ấy không chỉ vang lên có một lần. Nó xoáy vào lòng chị đến giờ, như một vết khắc của chiến tranh mà qua rồi năm tháng vẫn rát bỏng. Có ai còn sống không? Có còn không? Như nói thay tất cả những gì mong manh nhất trong cuộc đời. Trở về đời thường, không chồng, không con, cái ký ức ấy vẫn dội về trong nắng mưa, giữa bức vách với bóng chị đơn độc.
Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 Trần Thị Thông, người may mắn được cứu sống nhờ cái đầu ruồi của nòng súng nhô lên trên mặt đất giờ đã ở tuổi gần bảy mươi. Chị đã sống một quãng đời lặng lẽ, khuất lấp nơi xóm nhỏ Đông Vĩnh, Thành phố Vinh, bởi với chị: cả một tiểu đội, chỉ mình tui được sống, đó đã là điều may mắn nhất. Nghe kể rằng, chị em đào bới mãi mới lôi được tui lên. Lúc ấy, tui đâu còn biết chi, chỉ còn hơi thở thoi thóp. Chị em đưa tui vào cấp cứu trong nhà bác Thởm… Cứu được tui vừa xong thì đạn bom lại dội xuống. Mọi người giành giật từng giây phút để tìm xác người…
Cả ngày hôm ấy, cái ngày ném bom cuối cùng cho một lệnh ngừng bắn, tất cả đã hướng về Truông Bồn. Có những người may mắn hơn, đã tìm thấy thi thể và được chôn ngay tại đất Mỹ Sơn này. Nhưng có 7 người trong số 13 người hy sinh hôm đó, thân thể kia đã hòa cùng đất, nước Truông Bồn. Chỉ còn lại một vành nón được tìm thấy dưới lớp đất đá bị cày xới, trên còn ghi dòng chữ “Tặng Dung”, và một cánh tay buộc chiếc khăn mùi soa, trong đó gói ghém giấy gọi nhập học mang tên Vũ Thị Hiên, mấy cái phiếu tem gạo, thực phẩm…
Người trẻ nhất chỉ 17, người lớn tuổi nhất cũng chỉ 22. Nhiều trong số họ không còn lại một bức di ảnh. Những bức ảnh thờ của ngày hôm nay, đều do trí nhớ của người thân qua truyền thần mà có. Nhưng dù là bức ảnh nào, họ cũng đều có chung một ánh nhìn rạng rỡ. Họ đang ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Là Hoài đấy, cô gái trẻ nhất tiểu đội thép. Cô động viên để mẹ yên lòng cho mình “đi TNXP”, có mặt luôn ở trọng điểm Truông Bồn khi người anh trai cũng vừa mới mất và cô mới hơn 16 tuổi: “Con ra trận địa vừa làm vừa học thêm cũng được”. Là Văn đấy, cũng chưa đầy 18 tuổi, nhưng “em tình nguyện xin đi đánh giặc”.
Trên quãng đường đi, không ít lần Văn khóc nhớ mẹ, nhớ em, nhưng rồi cô gái trẻ vẫn vững vàng đến thế những đêm thông đường, làm cọc tiêu sống cho xe qua dưới làn mưa bom. Là Dung, đã mang theo mãi mãi những nỗi niềm đằng sau vành nón trắng, cái vành nón còn lại nét chữ của một người bạn, một người yêu? Là Bốn với nỗi nhớ thương mẹ không nguôi vì anh trai mới hy sinh trên mặt trận. Là Hòa và Tâm, hai con người đã gặp nhau và thầm lặng hẹn thề giữa đạn bom khốc liệt. Họ yêu nhau đã lâu mà không hề ai biết, chỉ đến ngày sắp hết nhiệm kỳ thì đồng đội mới kịp sẻ chia, chúc mừng. Cái ngày họ ở lại mãi mãi với Truông Bồn, cũng là ngày hai họ làm lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi vắng mặt cả chú rể, cô dâu, chỉ có hai họ với đôi mắt mẹ cha đau đáu hướng về phía Truông Bồn… Còn là Đang, là Nhung, là Phúc, là Hiên, là Vinh, là Doãn… Có những cô gái chưa kịp nhận lời yêu. Trong trái tim họ vẫn còn đang nhắc một dòng tên và vĩnh viễn cái bí mật ấy đã nằm trong lòng đất.Còn anh Hạp mới cưới vợ được 19 ngày, mới kịp ở với vợ được trọn một đêm… Hôm ấy, anh làm nhiệm vụ trực ban, và tiếng kẻng báo thức của anh sớm hơn mọi ngày khác.
Đã không ít người thốt lên như vậy: “Giá như…”? Giá như tháng Mười không có ngày ba mươi mốt. Giá như sớm ấy, những người đến hạn trở về không xung phong “ra mặt đường với các anh một buổi nữa như một kỷ niệm”… Ôi, giá như…Trong đời sống hạn hẹp của mỗi chúng ta, liệu có giản đơn để mà lựa chọn lại? Có vô vàn định mệnh đã xảy ra ở điều “giá như” ấy. Nhưng điều giản đơn nhất mà chúng ta đã không muốn hiểu, rằng: những chàng trai, cô gái ấy đã hồn nhiên bước về phía bom rơi, hồn nhiên như khi giơ cánh tay mình xung phong đi chống Mỹ cứu nước, bởi khi đó, họ đâu kịp nghĩ cho mình.
Tôi đã không thể biết, dù vô cùng muốn biết, họ nghĩ gì giây phút ấy? Cái giây phút nghe rền rĩ đạn bom, đất đá tung lên thân thể mình? Họ gọi tên mẹ, tên người yêu? Họ nhớ về quê hương dãi dầu của mình, quê hương trong nghèo nàn bom đạn vẫn chắt chiu nuôi lớn biết bao người? Trong cái tích tắc 6h10′ sáng ấy, họ lặng lẽ hiến dâng tuổi trẻ, tình yêu, quá khứ, tương lai… của mình để làm nên một Truông Bồn bất tử.
Để giờ đây, chiến tranh đã lùi xa. Đã kịp bình yên bao mùa cúc vàng bên bờ dậu nhà ai ấy. Nhưng bên con đường đầy gió thênh thang nối với mọi miền quê, đã có nhiều người dừng lại, đặt xuống nơi này một chiếc lược nhỏ, chùm bồ kết, một mảnh gương trong… Cho những thanh xuân nằm lại vào ngày ba mươi mốt tháng Mười!