VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT - WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0916.480.772
Hôm nay: 1811  - Tất cả: 21,480,884
 
TIN TỨC > THĂM VIẾNG TRI ÂN Bản in - Lượt xem: 6313
Truông Bồn: Đến, cảm và nghĩ
Tin đăng ngày: 29/5/2019 - Xem: 6313
 
 
Đài hương trên quảng trường. 
 
Truông Bồn –- Một thời và mãi mãi   
                                  
“Truông” trong tiếng Nghệ chỉ một đoạn đường dốc, hiểm trở; tiếng phổ thông gọi là “đèo”. Truông Bồn là một cái đèo dài khoảng 5 km nằm trên tuyến đường chiến lược 15A thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong chiến tranh chống Mỹ, đây là một “điểm nóng” của tuyến lửa, tương tự như Ngã Ba Đồng Lộc bên Hà Tĩnh. Đây là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển bộ đội, súng đạn, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá, phong tỏa tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An. 
 
Trên tuyến đường chiến lược này, Truông Bồn là điểm nút giao thông đặc biệt quan trọng. Vì thế, máy bay Mỹ đánh phá ngày đêm. Từ năm 1964 đến 1968, chúng đã trút xuống mảnh đất này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa; tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân địa phương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta. Hàng ngàn người đã hi sinh tại đây.

 
Nhà che khu mộ 13 liệt sĩ. – 017
 
Vào tháng 7/1968, một tiểu đội 14 chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP), gồm 12 nữ và 2 nam, làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu bom nổ chậm, phối hợp với công binh phá bom, bảo đảm cho chặng đường giao thông qua Truông Bồn luôn thông suốt. Đến tháng 10/1968, Ban chỉ huy Tổng đội đã cho phép xét chọn 8 chiến sỹĩ đã phục vụ hết thời gian 3 năm và có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ. Trong 8 người được chọn thì có 1 người ở nhà chỉ còn mỗi mẹ già đau yếu không có người chăm sóc, 1 người có anh trai là liệt sĩ vừa hi sinh trên chiến trường miền Nam, một đôi nam nữ yêu nhau đã 3 năm chỉ chờ xuất ngũ là tổ chức lễ cưới và 4 người được nhận giấy báo nhập học tại các trường trung học chuyên nghiệp. Tất cả 8 người đã chia tay đồng đội, chờ sáng mai trở về nhà.
 
Thế nhưng, đêm 30/10/1968, đơn vị của họ nhận lệnh phải cấp tốc thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng. Cả 8 TNXP chuẩn bị xuất ngũ ấy đã xung phong cùng các đồng đội ra hiện trường. 4 giờ sáng ngày 31/10/1968, toàn đơn vị khẩn trương san lấp hố bom, đến 6 giờ 10 phút, khi công việc sắp hoàn thành thì máy bay Mỹ đến oanh tạc. Trong 14 chiến sĩ thì 13 người hi sinh khi chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là đến 0 giờ ngày 1/11/1968 - thời điểm Mỹ ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. 
 
13 TNXP - 11 cô gái và 2 chàng trai - hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ nhất  là 17 tuổi và người nhiều tuổi nhất mới có 22 tuổi. Họ mãi mãi dừng lại ở lứa tuổi này cùng với những ngày chiến đấu hào hùng và oanh liệt.
 
 
Một bức tượng trong khu Di tích. 
 
Truông Bồn –- Hoành tráng và nghiêm trang
 
Ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn”. Khu di tích có diện tích 217.327m2 với tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Công trình được khởi công vào ngày 27 tháng 10 năm 2012. Ngày 7/8/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ khánh thành Khu di tích - chứng tích một thế hệ dũng cảm không sợ hi sinh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.
 
Khu di tích Truông Bồn là công trình văn hóa nghệ thuật nhiều màu sắc, vừa để tưởng niệm, ghi nhớ, vinh danh các anh hùng liệt sỹĩ trong thời kỳ chống Mỹ, vừa là điểm nhấn văn hóa du lịch tâm linh ở tỉnh Nghệ An. Công trình xây rất hoàngh tráng và nghiêm trang. Nổi bật là Đài hương gồm ba cây hương được làm từ đá xanh nguyên khối cao 27m, đường kính hơn 1m, bên trên có những áng mây phủ đồng tượng trưng cho những nén tâm nhang gửi đến những anh hùng liệt sỹĩ đã hi sinh tại Truông Bồn.
 
 
 
Đoàn giáo viên Khoa Ngữ văn ĐH Vinh tưởng niệm. 
 
Phía sau Đài hương là bức phù điêu lớn với nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo, tái hiện hình ảnh cuộc sống, quá trình lao động, chiến đấu đảm bảo giao thông của các cán bộ, chiến sĩ và TNXP trên tuyến đường. Phần chính giữa bức phù điêu là Bia ghi danh 1.240 liệt sỹĩ hi sinh tại Truông Bồn. Khu nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ gây ấn tượng mạnh. Khu mộ nằm nép mình bên đồi thông - nơi trước là hầm trú ẩn. Phía trước khu mộ chính là địa điểm mà giặc Mỹ đánh phá ác liệt và cũng là nơi 13 thanh niên xung phong đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại nơi đây.
 
Ngày nay, ai đến khu Di tích Truông Bồn đều cảm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của, không sợ hi sinh của thế hệ cha anh.
 
 
 
 
Khách thăm chụp ảnh kỷ niệm
.
 
Truông Bồn –- Sự nhắc nhở, căn dặn và kêu gọi
 
Khu Ddi tích lịch sử Truông Bồn hoành tráng, rộng rãi, thoáng đãng, trang nghiêm đã tạo nên một không khí linh thiêng. Trong khu di tích còn có nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh ở Truông Bồn; nhà trưng bày truyền thống tái hiện những hình ảnh chân thực, sống động về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân tại Truông Bồn; hồ điều hòa cảnh quan - môi trường; sân lễ hội với nhiều công trình và hiện vật ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ trẻ đã hy sinh tại Truông Bồn. Bên cạnh đó, khu di tích còn phục hồi 03 hố bom gần khu mộ, tháp chuông; bức phù điêu lớn với nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo, tái hiện hình ảnh cuộc sống, quá trình lao động, chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ và TNXP. 
 
Tôi đã đến Truông Bồn nhiều lần và chắc chắn sẽ còn đến nữa. Chưa bao giờ tôi đến đó với tâm thế là khách du lịch. Tôi đến đây dường như để được nghe những lời nhắc nhở, căn dặn và kêu gọi của thế hệ cha anh đã cống hiến cả cuộc đời cho độc lập, tự do, thống nhất của đất nước. Tôi biết, trước khi hi sinh, các anh các chị luôn luôn tin tưởng Việt Nam sẽ chiến thắng, đất nước sẽ phát triển thịnh vượng.
 
Chiến thắng đã đến và đã được 43 năm rồi. Đất nước đã phát triển mạnh mẽ nhưng Việt Nam vẫn là nước nghèo, trong nhiều nguyên nhân, có lý do vì trong thời bình ta vẫn còn phải chiến đấu với nạn dốt nát, cửa quyền, tham lam của một bộ phận không nhỏ quan chức.       

 

Bài và ảnh: Nguyên Hồ/TC GĐ&TE

 

<< Thăm viếng tri ân >>
  Trang chủ | Giới thiệu | Tin tức | Tiểu đội Anh hùng | Chiến công | Tri ân | Thơ văn | Video - Bài hát | Liên hệ | Diễn đàn Len dau trang
Trang thông tin điện tử: "truongbon.vn"
Bản quyền thuộc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Truông Bồn
Ghi rõ nguồn gốc: truongbon.vn khi phát hành thông tin từ Website này
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An: 
Trưởng ban biên tập: Giám đốc - Phan Trọng Lộc