Dặm dài miền trung heo hắt, truông là đoạn quanh co khúc khuỷu qua những triền núi, khoảng rừng. Ðịa danh Truông Bồn ở Ðô Lương (Nghệ An) đã tạc vào lịch sử bi tráng của đất nước, nơi 13 NAM, NỮ thanh niên xung phong (TNXP) đã mãi ra đi ở tuổi thanh xuân trong ba trận bom dã man của kẻ thù, hòng chặt đứt một cung đường vận tải chiến lược.
Ngồi với anh Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An, cánh nhà báo mau miệng đại loại, Truông Bồn là địa đầu Nghệ An; Ngã Ba Ðồng Lộc, địa đầu đất Hà Tĩnh đều vang danh bởi hai khúc tráng ca TNXP. Nhà nước đã vinh danh tập thể TNXP Ðồng Lộc cùng Truông Bồn danh hiệu Anh hùng LLVTND. Nhưng hình như hơn 40 năm qua, nơi hương khói Truông Bồn còn èo uột, sơ sài?... Anh Kỳ cười, nói rằng ngồi mà than, mà truy thì nhiều duyên do lắm, nhưng ngẫm lại mới biết quý những đóng góp đầu tiên của những người thợ Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (CienCo4) đối với Truông Bồn. Tuy hãy còn đơn sơ nhưng Khu Di tích Truông Bồn đã có nhà che ngôi mộ tập thể các liệt sĩ TNXP mà chiêm bái!
Thử nhớ lại, bao nhiêu là những cố gắng, gian nan để CienCo 4 làm nên một thương hiệu cầu Việt. Năm 1996, sự kiện CienCo 4 trúng thầu 19 công trình cầu suốt từ nam ra bắc kể ra đã là ghê. Rồi một loạt công trình trọng điểm mà ngành giao thông đã chọn mặt CienCo4 mà gửi... như cầu Pa Uôn có trụ cao nhất Việt Nam (97m), cầu Hàm Luông - Bến Tre, cầu Cửa Ðại - Quảng Nam, cầu Hiệp - Thái Bình, cầu Thiệu Hóa - Thanh Hóa, cầu Phụng Hiệp - Sóc Trăng, Nhơn Hội - Bình Ðịnh... Ðâu đó lâu nay có ý kiến rằng, CienCo4 chỉ đủ sức làm những công trình vùng xa, vùng sâu hoặc những công trình vừa và nhỏ. Nhưng thời gian gần đây, CienCo 4 chững chạc tự tin, vinh dự (trúng thầu) dàn quân trên dự án cầu Vĩnh Tuy, Công trình vành đai 3 Hà Nội, Dự án cầu Nhật Tân - Nội Bài, Dự án cao tốc Giẽ - Ninh Bình... CienCo4 (cùng các nhà thầu trong nước và quốc tế) lại vừa gây một ấn tượng đẹp ở Thủ đô với việc khai thông đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - bắc hồ Linh Ðàm. Công trình phức tạp khó khăn không phải chiều dài gần chín km mà tới 385 đường dẫn và 8.527 m cầu cạn chạy suốt. Sau hai năm thi công công trình đã vượt tiến độ gần 15 tháng!
Vội về Nghệ An để triển khai công việc, CienCo4 vừa được Bộ Giao thông vận tải tin tưởng chỉ định thầu, thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 15A đoạn Nam Ðàn đi Ðô Lương và xây dựng các hạng mục thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa Truông Bồn, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Hoa cũng nán lại với khách một lúc... Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ trao đổi hôm nọ với Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An... Tổng Giám đốc Lê Ngọc Hoa bộc bạch: "Ðược công nhận là khu di tích lịch sử từ năm 1996 nhưng việc xây cất ở Truông Bồn hẵng còn sơ sài. Mỗi lần qua Truông Bồn không khỏi những cảm giác xót xa. Khi chúng tôi mới chào đời, thì các bác, các anh, các chị đã ngã xuống. Những câu chuyện về sự hy sinh oanh liệt đó mãi mãi đi vào sử sách. Ðịa danh Truông Bồn trở thành huyền thoại của ngành giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thế hệ hôm nay phải làm gì để Truông Bồn huyền thoại trở thành địa danh bất tử đã thôi thúc chúng tôi".
Câu chuyện CienCo4 chủ động góp phần chỉnh trang Truông Bồn bắt đầu từ năm 2008, kỷ niệm 40 năm trận đánh Truông Bồn. Là đơn vị xây dựng công trình của Bộ GTVT đóng trên địa bàn tỉnh nhà, hơn ai hết Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CienCo4) ý thức được trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, đã tích cực hưởng ứng và đóng góp 300 triệu đồng. Tiếp đó năm 2010, khi quy hoạch tổng thể về Khu di tích lịch sử - văn hóa Truông Bồn được phê duyệt với nhiều hạng mục quan trọng. Lãnh đạo CienCo4 thống nhất chủ trương đăng ký với UBND tỉnh Nghệ An đảm nhận xây dựng toàn bộ hạng mục Nhà che mộ các liệt sĩ TNXP hy sinh tại Truông Bồn.
Ðược UBND tỉnh đồng ý, CienCo4 thành lập Ban vận động quyên góp và chỉ sau một thời gian ngắn, hơn 7.000 cán bộ, đảng viên, công nhân viên, lao động Tổng công ty đã hăng hái ủng hộ với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
Qua câu chuyện của Tổng Giám đốc Lê Ngọc Hoa, được biết thêm, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 668 người con thân yêu của CienCo4 đã ngã xuống, hàng nghìn người khác để lại một phần cơ thể trên tuyến lửa Khu 4 anh hùng. Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng về sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty đã đầu tư nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ với tổng số tiền gần bốn tỷ đồng, trong đó Nghĩa trang Cục Công trình tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã được tôn tạo vào đầu năm 2012 với quy mô lớn, khang trang, bề thế. Ðây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 208 liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường 20-7, bến phà Long Ðại và là nơi thờ tự, lưu danh 668 liệt sĩ CienCo 4 hy sinh trên các chiến trường.
Không riêng ở Truông Bồn và Quảng Bình mà hằng năm, vào các ngày lễ, Tết, Ngày Thương binh - liệt sĩ, Tổng công ty tổ chức dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của ngành giao thông vận tải ở các nghĩa trang trong tỉnh và trong khu vực. Ngày 4-10-2012, trước khi làm lễ động thổ xây dựng Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 15 A đoạn Nam Ðàn đi Ðô Lương, Tổng công ty đã làm Lễ cầu siêu tri ân cho 13 liệt sĩ TNXP Truông Bồn và các anh hùng liệt sĩ ngành giao thông vận tải hy sinh trên các tuyến đường trọng điểm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt một dự án khá hoành tráng Bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn với tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng. Quyết tâm là thế nhưng nan giải vẫn là kinh phí.
Nhớ thêm lời tâm sự của Giám đốc Nguyễn Hồng Kỳ, đang cần lắm các nhà báo, văn nghệ sĩ công tâm chuyển tải đi những thông điệp nhân văn - tâm linh về Truông Bồn! Chợt nhớ, các nhà văn, nhà báo ngay từ thời đạn bom bời bời ấy hình như đã gắn bó với Truông Bồn. Không biết có phải là người đầu tiên không, nhà báo Thanh Phong của Báo Nhân Dân ngày tang thương Truông Bồn, ông đã có mặt khi ấy với tư cách là phóng viên thường trú ở Khu 4. Vài dòng ngắn ngủi về chiến công, về những mất mát của lực lượng TNXP thời điểm chiến tranh ấy đã làm Thanh Phong day dứt. Mãi gần hai chục năm sau, ông mới có bài Nhớ 12 cô gái Truông Bồn đăng kín chân trang 3 Báo Nhân Dân. Rồi sau đó là những bài báo về Ngã Ba Ðồng Lộc. Ðến lúc đó ông được mặc sức nói rõ địa danh, tên người, những chiến công và cả những mất mát, bi thương... Nếu mai kia trong mọi thứ chỉnh trang lại hương khói Truông Bồn, tôi lẩn thẩn nghĩ, bên cạnh hay trong nhà bia nên có tấm biển ghi lại bài thơ Mười hai cô gái Truông Bồn của nhà thơ Quang Huy. Nhà thơ Quang Huy, tác giả ca từ nổi danh Tiếng đàn balalaica trên Sông Ðà là một người viết lục bát mát tay. Như Thanh Phong và nhiều nhà báo, nhà văn khác từng đến với Truông Bồn, từ Hội Văn nghệ Nghệ An ở Vinh, nhà thơ trẻ Quang Huy về Truông Bồn bời bời đạn bom. Xúc động trước sự kiện các cô gái Truông Bồn mặc áo may ô mầu trắng ngắn tay, đứng bên đường để làm cọc tiêu cho những đoàn xe ra trận, nhà thơ đã viết:
Ngoằn ngoèo lượn những đường bom/Ðoàn xe lao đỉnh Truông Bồn giữa khuya/ Hố sâu hun hút bốn bề/Màn đêm thăm thẳm như che mắt nhìn/Bỗng từ đâu vụt hiện lên/Một hàng tiêu mọc đường đêm trắng lòa/Giật mình anh lái trông ra/Ôi em thức dậy bao giờ ra đây? Xe anh đi giữa đêm dày/Em ra mở lối cho ngày sáng lên/Sững sờ tay vẫy trong đêm/Áo em trắng quá anh nhìn thêm thương.
Bài thơ Quang Huy viết tháng 5-1968 thì năm tháng sau, ập đến sự kiện bi thương Truông Bồn. Lùi khá xa trận mạc nhiều năm, nhà văn Trần Huy Quang về quê Nghệ An lẩn mẩn chắp nối lại nhiều nhân chứng sự kiện ngày ấy. Ông vừa ra mắt cuốn Thánh ca Truông Bồn khá bắt mắt... Rồi vừa hôm nọ, các nhà văn Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh cũng vừa về lại Truông Bồn. Gọi là về bởi năm 1968, cùng trạc tuổi với các TNXP Truông Bồn đương bám trụ ở tuyến vận tải ác liệt 15A, thì bên kia là đường 15B, cô TNXP Lê Minh Khuê của Tổng đội TNXP Thanh Hóa cùng đồng đội cũng phải trải qua những ngày đêm khủng khiếp đạn bom để bảo đảm giao thông "cho xe ta và tiền tuyến".
Trong bóng mát của nhà che mộ, rưng rưng những vầng khói hương tại ngôi mộ tập thể vút lên những làn thẳng tắp. Ngày 27-10 tới đây, Bộ Giao thông vận tải, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An sẽ khởi công dự án tôn tạo, nâng cấp Khu di tích lịch sử văn hóa Truông Bồn. Ðể người dân đất Việt khi qua đây có dịp đến dâng hương và chiêm bái. Ðể hiểu một phần những ác liệt, tàn phá của chiến tranh, để tự hào kiêu hãnh về chiến công bất diệt của các cô gái thanh niên xung phong. Truông Bồn mãi là cõi thiêng.