Cuối tháng 10, trong cái nắng hanh hao, chúng tôi ngược Quốc lộ 15A về thăm Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn (Đô Lương). Dù thời tiết đã sang Đông nhưng dọc tuyến đường vẫn bạt ngàn sắc xanh của những đồi keo chạy dài tít tắp, của những khu vườn bạt ngàn hoa trái và đặc biệt là sắc xanh của khuôn viên di tích.
Thời điểm này dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước nên người dân hạn chế đi lại để đề phòng nguy cơ lây lan. Khu Di tích Truông Bồn khá vắng vẻ, số đoàn khách đến dâng hương, thăm viếng giảm nhiều số với những năm trước.
Không gian tĩnh lặng ấy đã giúp chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp của sắc xanh cây lá và sự thiêng liêng qua làn khói hương trầm mặc hòa quyện cùng hương hoa tỏa lan. Rảo bước giữa khuôn viên di tích, dâng hương ở phần mộ và đền thờ các liệt sỹ Truông Bồn, cõi lòng như lắng lại, những ưu phiền chợt tan biến, bước chân trở nên nhẹ nhàng, thanh thản…
Anh Phan Trọng Lộc – Giám đốc Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn dẫn chúng tôi vào thăm nhà Bảo tàng. Bước qua cánh cửa là không gian chứa đầy hoài niệm, bởi nơi đây lưu giữ hàng trăm hiện vật của Truông Bồn thời khói lửa. Ấn tượng đầu tiên là các loại bom đạn Đế quốc Mỹ đã ném xuống để cản bước chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Có bom từ trường, bom nổ chậm, bom sát thương, bom bi, đạn cối, đạn xuyên giáp, cây nhiệt đới… Có cái vẫn còn nguyên màu sơn, cái thì đã gỉ sét, tất cả nằm lặng yên nhưng vẫn gợi lên cảnh tang thương.
Rồi những chiếc đèn dầu của lực lượng TNXP được chế tác từ vỏ bom bi, lựu đạn để dẫn đường cho từng đoàn xe đi qua trong đêm tối. Những dụng cụ thô sơ như cuốc, xuổng, cào và cọc tiêu dùng để san lấp hố bom, dẫn đường cho xe thông tuyến. Những vật dụng gắn với đời sống sinh hoạt như bát, đĩa, ăng gô và bi đông. Và có cả tư liệu, hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các đơn vị TNXP làm nhiệm vụ và liệt sỹ hy sinh tại “tọa độ lửa” Truông Bồn…
Mỗi hiện vật chứa đựng một thông tin và tiếng nói riêng nhưng có chung thông điệp là sức mạnh của tinh thần, ý chí của con người Việt Nam, là sự anh dũng, quả cảm của thế hệ thời đánh Mỹ và giữ cho dòng ký ức mãi tươi xanh.
Những người kể huyền thoại
Những ngày này, các nữ thuyết minh viên của Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tập trung lau ảnh chân dung các liệt sỹ và đồ thờ tự, sắp xếp lại lẵng hoa và lễ vật trước phần mộ và bàn thờ. Đôi bàn tay nhỏ nhắn và khéo léo, Phạm Thanh Hảo (SN 1993) – nữ thuyết minh viên cẩn trọng sắp đặt, bài trí các thứ một cách ngay ngắn. Hảo là cô gái xứ Lường, quê xã Đà Sơn (Đô Lương), cử nhân chuyên ngành Việt Nam học, về làm việc tại đây đã 6 năm.
Theo chị, đó như là cơ duyên, là may mắn khi ra trường liên hệ được công việc đúng với chuyên ngành đào tạo, với niềm mơ ước từ thuở thiếu thời. Lại được trở về phục vụ trên mảnh đất quê hương, nơi di tích Truông Bồn đã thành huyền thoại, điểm đến tâm linh của người dân khắp mọi miền đất nước.
Phạm Thanh Hảo và các đồng nghiệp có nhiệm vụ thuyết minh, giới thiệu với các đoàn khách về dâng hoa, dâng hương và thăm viếng di tích về ý chí chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ của các lực lượng làm nhiệm vụ ở Truông Bồn. Đặc biệt là tinh thần chiến đấu quả cảm và hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 đã ngã xuống vào rạng sáng 31/10/1968 đã viết nên trang sử bi tráng trên mảnh đất quê hương.
Theo chị, để du khách có được ấn tượng đậm nét khi về với Truông Bồn, các nhân viên thuyết minh đã cố gắng tái hiện khung cảnh, chuyển tải cảm xúc một cách chân thực và xúc động nhất.
“Muốn vậy, khi làm nhiệm vụ, chúng em cố gắng hóa thân thành nữ chiến sỹ TNXP chống Mỹ, dùng giọng nói, điệu bộ, cử chỉ để diễn tả sự khốc liệt của cuộc chiến và quyết tâm lấp hố bom cho tuyến đường huyết mạch thông suốt, vì phía trước là miền Nam yêu thương. Làm sao để du khách cảm nhận được khung cảnh bom rơi đạn nổ, sự gian khổ, hiểm nguy, tình yêu thương đồng đội và cao hơn cả là tinh thần cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Đồng thời, sự trao đổi, tương tác của du khách đã giúp các nữ thuyết minh viên có thêm cảm xúc và nguồn tư liệu bổ sung, để nội dung ngày một thêm dày dặn, phong phú. Nhất là những đoàn khách cựu TNXP, mỗi khi chị Hảo kết thúc phần thuyết minh, các cô, các bác thường chạy đến ôm chầm lấy chị mà khóc, bảo nghe chị kể, nhìn cử chỉ của chị có cảm giác như được gặp được đồng đội năm nào. Rồi kể thêm những tình huống, chi tiết và kỷ niệm xưa, giúp chị Hảo tích lũy thêm nguồn tư liệu.
Nhỏ hơn Phạm Thanh Hảo 2 tuổi, Nguyễn Hà Thu là cử nhân Sư phạm Lịch sử, quê xã Hưng Trung (Hưng Nguyên). Cô gái này đã từ chối cơ hội làm giáo viên ở thành phố Vinh để lên với Truông Bồn làm nhân viên thuyết minh. Với Thu, đây cũng vừa cơ duyên, vừa là niềm đam mê, kiến thức lịch sử giúp tạo nền tảng, nghiệp vụ sư phạm giúp hình thành kỹ năng thuyết minh với du khách.
Qua 3 năm công tác, Hà Thu đã vững vàng với công việc, được nhiều du khách quý mến bởi giọng nói truyền cảm, thân tình và xúc động. Thu tâm sự: “Em không bao giờ tiếc nuối khi lựa chọn lên với Truông Bồn, với vùng đất đã đi vào huyền thoại với những chiến công, những con người bất tử. Và em cũng vô cùng tự hào khi được làm người chuyển tải sự kiện bi hùng trong lịch sử đến với du khách gần xa”.
Thời gian chưa nhiều nhưng Hà Thu đã có nhiều kỷ niệm với công việc, trong đó kỷ niệm về một nữ cựu TNXP khiến chị mỗi lần nhớ đến đều rơi nước mắt. Hôm ấy, một cựu TNXP bị mất một chân được con trai chở đến Truông Bồn dâng hương, bà khóc nức nở khiến mọi người không thể cầm lòng. Bà nói năm xưa từng làm nhiệm vụ trên đường 15A, bị mảnh bom phạt ngang một chân. Bà bị mất một phần cơ thể, chịu đau đớn suốt cuộc đời nhưng vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống nơi đây, bởi bà được trở về, có gia đình và con cái để nương tựa.
“Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn có diện tích 22ha và nhiều hạng mục công trình, chúng tôi xác định thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và chăm sóc di tích là niềm vinh dự lớn. Mỗi người một việc, tất cả đều hướng đến một Truông Bồn luôn tươi xanh cả về không gian và dòng ký ức đã thành huyền thoại”. Anh Phan Trọng Lộc - Giám đốc Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn
Công Kiên