VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT - WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0916.480.772
Hôm nay: 84426  - Tất cả: 44,964,239
 
TIN TỨC > BÁO CHÍ NÓI VỀ TRUÔNG BỒN Bản in - Lượt xem: 1201
Sức sống mới trên “tọa độ lửa” Truông Bồn
Tin đăng ngày: 1/11/2021 - Xem: 1201
 
Upload
 
Tích cực chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, anh Nguyễn Đức Lễ làm giàu ngay trên mảnh đất Mỹ Sơn anh hùng.

Phát huy truyền thống Truông Bồn anh hùng, cán bộ và nhân dân xã Mỹ Sơn cùng huyện Đô Lương (Nghệ An) đã, đang nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới để vùng đất lửa xưa sớm trở nên giàu, đẹp.

 

Ngược quốc lộ 15A, chúng tôi về thăm Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn - vùng đất lửa bất tử của những năm tháng cả nước hướng về miền nam ruột thịt. Với vị trí đặc biệt trọng yếu trên tuyến đường 15A huyết mạch, bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền nam, hơn 50 năm trước, Truông Bồn trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của những con người quả cảm với bom đạn khốc liệt của quân thù.

Trong cuộc chiến sinh tử ấy, trên cung đường này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Ngày 31/10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) của “Tiểu đội thép” đã anh dũng hy sinh, làm nên khúc tráng ca Truông Bồn bất tử. Ghi danh Truông Bồn, ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc “Tiểu đội thép” huyền thoại, Ðại đội 317, Ðội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.

Hằng năm, vào dịp tháng 10, Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng Truông Bồn với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại “tọa độ lửa” Truông Bồn. Ngoài ra, Báo Nhân Dân còn tặng quà, sổ tiết kiệm, hỗ trợ làm nhà cho các thân nhân liệt sĩ, thương binh, người có công có hoàn cảnh khó khăn và tặng quỹ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện Đô Lương và tỉnh Nghệ An.

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Đô Lương kiên cường đang thay da đổi thịt từng ngày. Chúng tôi ghé thăm xã Mỹ Sơn, trọng điểm đánh phá ác liệt năm xưa của Mỹ. Dưới các tán rừng là hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi cho thu nhập cao, trong đó có trang trại của đoàn viên Nguyễn Đức Lễ (29 tuổi) ở xóm 7. Lễ mạnh dạn vay mượn gia đình, ngân hàng để lập trang trại rộng 2 ha trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Sau bốn năm chăm bẵm, gần 500 gốc cam, mít, ổi đã cho thu hoạch. Trong chuồng, đàn dê gần 100 con và năm con trâu béo sắp xuất chuồng. Lễ nhẩm tính, thương lái trả mỗi con trâu hơn 55 triệu đồng, mỗi con dê hơn bốn triệu đồng, như vậy, thu nhập đợt này khoảng 500 - 600 triệu đồng… Cứ cái đà ấy, Lễ sẽ trở thành tỷ phú ở tuổi 30 ngay trên mảnh đất Mỹ Sơn anh hùng.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn Nguyễn Kim Hưng cho biết: Ra khỏi chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và người dân Mỹ Sơn quyết tâm phục hồi kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, sau 10 năm tập trung xây dựng nông thôn mới, xã thuần nông Mỹ Sơn đã về đích nông thôn mới năm 2019. Ngoài việc duy trì 434 ha lúa hai vụ, 34,6 ha nuôi trồng thủy sản, Mỹ Sơn đã tập trung phát triển thế mạnh về trồng rừng, phát triển trang trại, gia trại gắn chăn nuôi gia súc, gia cầm với trồng cây ăn quả cho thu nhập cao, ổn định.

Xã còn khuyến khích người dân phát triển dịch vụ, thương mại, đa dạng loại hình sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo ở Mỹ Sơn chỉ còn 1%...

Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, các tổ chức, cá nhân đã phối hợp người dân địa phương xây dựng 11 ngôi nhà khang trang; trong số này, Báo Nhân Dân hỗ trợ gia đình bà Bùi Thị Liên (81 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh (73 tuổi) đều có hoàn cảnh khó khăn làm nhà... Tận dụng cơ hội khi Khu di tích Truông Bồn đi vào hoạt động, cấp ủy, chính quyền các huyện Đô Lương, Nam Đàn và các địa phương ở vùng Truông Bồn đã động viên nhân dân phát triển kinh tế, dịch vụ, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nông sản phục vụ du khách cũng như xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đô Lương Nguyễn Tất Hoàng Hiệp cho biết: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế Đô Lương đạt cao, bình quân đạt 11,83%/năm; quy mô giá trị tăng thêm năm 2020 gấp 1,75 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Hiện, Đô Lương đã có 28/32 xã đạt nông thôn mới; thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trên địa bàn như Dự án Nhà máy xi-măng sông Lam, Nhà máy may Minh Anh…; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu đô thị, khu dân cư mới. Chất lượng giáo dục đào tạo đứng tốp đầu của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Đô Lương phấn đấu năm 2023 đạt huyện nông thôn mới; và sớm trở thành huyện mạnh về kinh tế, văn hóa xã hội phát triển, nông thôn đổi mới, đô thị văn minh; thị trấn Đô Lương tiến tới thị xã Đô Lương... ■

 
Bài và ảnh: Thành Châu
 
<< Báo chí nói về Truông Bồn >>
  Trang chủ | Giới thiệu | Tin tức | Tiểu đội Anh hùng | Chiến công | Tri ân | Thơ văn | Video - Bài hát | Liên hệ | Diễn đàn Len dau trang
Trang thông tin điện tử: "truongbon.vn"
Bản quyền thuộc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Truông Bồn
Ghi rõ nguồn gốc: truongbon.vn khi phát hành thông tin từ Website này
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An: 
Trưởng ban biên tập: Giám đốc - Phan Trọng Lộc