VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT - WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0916.480.772
Hôm nay: 86116  - Tất cả: 44,965,929
 
TIN TỨC > BÁO CHÍ NÓI VỀ TRUÔNG BỒN Bản in - Lượt xem: 656
Linh thiêng tọa độ lửa Truông Bồn
Tin đăng ngày: 27/10/2022 - Xem: 656
 

Linh thiêng tọa độ lửa Truông Bồn

Upload
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi ghé thăm Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (Nghệ An) - mảnh đất từng chứng kiến cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của những con người quả cảm với bom đạn khốc liệt của quân thù. Nơi đây, tháng 10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của "Tiểu đội thép" đã anh dũng hy sinh, làm nên khúc tráng ca Truông Bồn bất tử.
Vợ chồng bà Trần Thị Thông.
Vợ chồng bà Trần Thị Thông.

Với vị trí đặc biệt trọng yếu trên tuyến đường 15A huyết mạch, bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền nam, Truông Bồn đã đi vào lịch sử dân tộc bằng những chiến công oanh liệt, dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh của 1.240 cán bộ, chiến sĩ.

Một thời hoa lửa

Trời Nghệ An trong xanh. Dù rất nhiều đoàn du khách trở về để dâng hương tưởng nhớ anh linh các Anh hùng liệt sĩ nhưng Truông Bồn vẫn thật bình yên. Ở đây, từng gốc cây, ngọn cỏ, từng nắm đất, hạt cát đều gợi nhớ với tất cả về tọa độ lửa năm xưa. Những hố bom sâu hoắm giờ được thay thế bằng một khu di tích lịch sử mang tính biểu tượng của thanh niên xung phong Việt Nam.

"Truông" trong tiếng Nghệ là từ chỉ một đoạn đèo dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở. Truông Bồn là một đoạn đèo dốc như thế có chiều dài 15km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có độ cao 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A.

Theo tài liệu của Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, tuyến đường chiến lược 15A có chiều dài gần 200km, tiếp nối từ quốc lộ 1A - giáp với tỉnh Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Ðàn, Tân Kỳ, Ðô Lương về đến huyện Nam Ðàn, rồi một ngả rẽ về bến phà Linh Cảm, tỉnh Hà Tĩnh; một ngả đi về thành phố Vinh, qua phà Bến Thủy vào Ngã ba Ðồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ðây là huyết mạch giao thông để vận chuyển nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền nam khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá, phong tỏa tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An. Chỉ tính riêng từ năm 1964 đến 1968, không quân Mỹ đã trút xuống Truông Bồn 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa, rốc-két xuống nơi đây.

Trên tờ Nhân Dân số ra ngày 13/11/1968, tức là gần nửa tháng sau trận bom khiến 13 trong số 14 chiến sĩ thanh niên xung phong của Tiểu đội 2 thuộc Ðại đội 317 hy sinh, bài báo "Thanh niên xung phong tiến lên theo mệnh lệnh chiến đấu của Bác Hồ", cho thấy phần nào sự khốc liệt của Truông Bồn ngày ấy và công việc của các chiến sĩ thanh niên xung phong nói chung, của Tiểu đội 2 nói riêng mà tác giả Phạm Thanh, phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Nghệ An mô tả: "Chúng tôi đi, chốc chốc vẫn nghe giật lên những tiếng của bom Mỹ nổ chậm, mảnh bom vương vãi khắp nơi. Những chiếc xe bị bom đạn Mỹ đốt cháy, còn lại bộ sườn. Các chiến sĩ bảo vệ đường "Truông B" đã đẩy nó sang bên đường cho những đoàn xe lăn bánh. Một trận địa pháo nằm cao chót vót trên đỉnh núi. Những nòng súng vẫn cảnh giác ghếch đầu trên công sự. Chung quanh là những hố bom xen nhau, há hốc miệng...".

Bài báo đã cung cấp những thông tin quan trọng, khá chi tiết trận ném bom Truông Bồn ngày 31/10/1968 khi tác giả nghe đồng chí Thái Bá Quỳnh, Chỉ huy Ðại đội Thanh niên xung phong số 325 chỉ một hố bom và kể lại rằng, nơi họ vừa ngồi đây có những thi hài mấy đồng chí "C317" còn nằm sâu dưới lòng đất. "C317" chính là Ðại đội Thanh niên xung phong 317. Theo tác giả, chỉ một ngày trước khi buộc phải ngừng bắn phá miền bắc, giặc Mỹ đã gây tội ác đẫm máu ở đây. Sáng sớm 31/10, khi các chiến sĩ Ðại đội 317 vừa ra mặt đường và bắt đầu công việc thì từng đàn máy bay Mỹ kéo đến, thả hai đợt hơn 100 quả bom phá. Tiếp đó, chúng thả hơn 40 quả bom nổ chậm. "Dốc cao tụt xuống thành lòng chảo. Máu của anh chị em thanh niên lại thấm vào đất đá. Có người hy sinh, tay còn nắm chặt báng súng. Có nữ đội viên ngã xuống, tóc quấn chặt lấy cán mai"…

Truông Bồn đã ghi đậm những chiến công đánh Mỹ, những gian khổ, hy sinh của lớp lớp thanh niên xung phong, những người lấp hố bom, mở đường không biết mỏi, những người đứng giăng hàng làm "cọc tiêu sống" cho xe đi trong đêm tối. Càng đặc biệt hơn khi những ký ức của cung đường huyền thoại năm xưa hay buổi sáng định mệnh 31/10/1968 giờ vẫn còn có thể được nghe kể qua một nhân chứng sống của Tiểu đội 2 là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông, người quê Yên Thành (Nghệ An) hiện đã 77 tuổi.

Nhân chứng lịch sử, người duy nhất sống sót

 

Trong bài "Thanh niên xung phong tiến lên theo mệnh lệnh chiến đấu của Bác Hồ" mà chúng tôi đọc được không nhắc đến cái tên Trần Thị Thông, dù báo ra số ngày 13/11/1968 như nêu trên. Cũng dễ hiểu vì điều kiện đi lại khó khăn và thông tin hạn chế ngày đó cho nên trong bài viết của mình, nhà báo Phạm Thanh chỉ có thể ghi lại những chi tiết như sau: "Ðồng chí Quỳnh (Thái Bá Quỳnh, Chỉ huy Ðại đội Thanh niên xung phong số 325) kéo tôi ra sát miệng hố bom, gương mặt nghiêm nghị, giọng xúc động nói: - Trong thắng lợi chung, bọn chúng tôi có chuyện đau buồn chưa nguôi. Nơi chúng ta vừa ngồi đây, có những thi hài của mấy đồng chí "C 317" còn nằm sâu trong lòng đất. Chúng tôi đã mở đường tránh cho xe đi và ra sức tìm bằng được thi hài những đồng chí đã hy sinh.

Thật may, nhà báo Phan Sáng (người Yên Thành, Nghệ An) từng gặp và viết bài về bà Trần Thị Thông. Anh dẫn chúng tôi đến ngôi nhà của nữ tiểu đội trưởng năm xưa nằm trên một con phố nhỏ ở thành phố Vinh. Vào thời điểm chúng tôi đến, bà Thông cũng vừa mới từ bệnh viện trở về. Bà trông vẫn rất nhanh nhẹn, lạc quan, nhưng lưng đã còng xuống vì căn bệnh thoát vị đĩa đệm.

Năm 1965, khi vừa tròn 19 tuổi, cô gái Trần Thị Thông (ngụ xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Trước khi về Truông Bồn, cô có mặt tại nhiều điểm nóng đánh phá của máy bay Mỹ trên đất Nghệ An như cầu Cấm ở Nghi Lộc, rú Ðụn ở Nam Ðàn... "Ban ngày san lấp đường, ban đêm chúng tôi cùng nhau làm nhiệm vụ dẫn đường cho ô-tô đi qua. Do đêm tối, thời gian đầu, chúng tôi nghĩ ra cách dùng bẹ chuối rải trên đường để xe nhận biết lối đi. Thế nhưng máy bay Mỹ ném bom liên tục, bẹ chuối xe đi qua một vài lần đã nát bươm nên cuối cùng, chúng tôi đã dùng thân mình làm "cọc tiêu di động" để dẫn xe qua "tọa độ chết" Truông Bồn", bà Thông nhớ lại.

Ngày 31/10/1968, khi 14 thanh niên xung phong (12 nữ, 2 nam) của Tiểu đội 2 chia thành hai nhóm để san lấp hố bom thì bất ngờ một tốp máy bay Mỹ ném bom liên hồi. Mặt đất rung chuyển, Truông Bồn chìm trong khói lửa. "Tôi chỉ kịp đẩy anh Hòa xuống hầm, vội với lấy cây súng và lao theo, sau đó thì không biết chi cả" - bà Thông kể. Ngớt tiếng bom, bộ đội, thanh niên xung phong và người dân lao vào đào bới đất đá tìm kiếm các chiến sĩ của Tiểu đội 2. Truông Bồn ngập trong nước mắt mất mát, đau thương khi 13 người đã vĩnh viễn ra đi lúc vừa tròn mười tám, đôi mươi. Bà Thông kể, trước ngày đau thương ấy, những con người dũng cảm của Tiểu đội 2 đều hồi hộp và vui sướng vì chỉ một ngày nữa, họ sẽ được xuất ngũ trở về nhà. Có người đã định ngày cưới như đồng chí Cao Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Tâm, có người đã cầm giấy báo nhập học của các trường, có người mong chờ được về với mẹ...

Theo bà Thông, việc bà còn sống là điều vô cùng kỳ diệu bởi trong lúc mọi người tuyệt vọng tìm kiếm đã vô tình thấy phần nòng súng nhô lên trên mặt đất. Ðào xuống, mọi người phát hiện bà bị vùi sâu dưới lớp đất đá. Bà Thông sau đó được đưa về nhà mẹ Nguyễn Thị Thởm ở xã Mỹ Sơn, huyện Ðô Lương (Nghệ An) trong tình trạng bất tỉnh. Tại nhà mẹ Thởm, một anh bộ đội và một y tá trên đường hành quân qua đã trực tiếp cứu chữa cho bà Thông. Trước khi đi, các anh để vào tay nữ bệnh nhân còn đang hôn mê một tờ giấy nhỏ ghi rằng: "Các anh đến đây khi em vừa bị thương. Nay vì phải hành quân, các anh đi đây. Em ở lại cố gắng mau khỏe nhé, cô gái thanh niên xung phong!".

Năm 1969, bà Thông được đơn vị cho về thành phố Vinh theo học nghề may mặc và một năm sau, bà và ông Lê Hải Diên, một người lính của Tiểu đoàn quân tiên phong thuộc Sư đoàn 308 tổ chức đám cưới. Nhắc lại chuyện tình cảm ngày xưa mới thấy, ông bà thật sự lãng mạn. Giữa bom rơi, lửa đạn, họ vẫn có thể buông những câu hò với nhau như: Tình cờ gặp gỡ nhau đây/Có cho chung thầy, chung mẹ không em hay Ðến đây em vợ, anh chồng/Anh đi đánh Mỹ, em bồng con thơ. Cuối mỗi lá thư ông Diên gửi về cho bà Thông, ông đều chấm một chút nước hoa vào một miếng bông nhỏ, gấp gọn ở góc thư. Kể với chúng tôi về chi tiết này, khuôn mặt đã hằn lên rõ nét dấu ấn thời gian của bà Thông vẫn như ửng đỏ, còn ông Hải Diên thì rưng rưng xúc động. Họ nhìn nhau vẫn có cảm giác của sự ngại ngùng như thuở mới yêu. Ông Diên lúc thì hướng ánh mắt âu yếm và tự hào về phía vợ mình, lúc đưa tay xoa bóp cho cánh tay gầy guộc của bà.

Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông - nhân chứng lịch sử vẫn thật vui vẻ và hài lòng với cuộc sống hiện tại. Bản chất kiên trung, anh dũng, dám hy sinh của những thanh niên xung phong có lẽ vẫn luôn chảy trong huyết mạch của bà. Hơn 50 năm trôi qua, phần thưởng lớn nhất cho họ chính là sự ghi nhận của đồng bào, của những ai mỗi khi tới thắp nén hương ở Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn và biết rằng, vẫn còn có một nữ anh hùng trong lòng nhân dân đang sống ở khối Yên Duệ, phường Ðông Vĩnh, thành phố Vinh (Nghệ An) ■

<< Báo chí nói về Truông Bồn >>
  Trang chủ | Giới thiệu | Tin tức | Tiểu đội Anh hùng | Chiến công | Tri ân | Thơ văn | Video - Bài hát | Liên hệ | Diễn đàn Len dau trang
Trang thông tin điện tử: "truongbon.vn"
Bản quyền thuộc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Truông Bồn
Ghi rõ nguồn gốc: truongbon.vn khi phát hành thông tin từ Website này
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An: 
Trưởng ban biên tập: Giám đốc - Phan Trọng Lộc