Nhân chứng lịch sử ở Truông Bồn, Nghệ An!
Nơi đây, tháng 10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của "Tiểu đội thép" đã anh dũng hy sinh, làm nên khúc tráng ca Truông Bồn bất tử. Người duy nhất may mắn sống sót trong 14 người là bà Trần Thị Thông (Quê Yên Thành, Nghệ An).
Ngày 31/10/1968, khi 14 thanh niên xung phong (12 nữ, 2 nam) của Tiểu đội 2 chia thành hai nhóm để san lấp hố B.O.M thì bất ngờ một tốp máy bay Mỹ thả b.o.m liên hồi. Mặt đất rung chuyển, Truông Bồn chìm trong khói lửa.
"Tôi chỉ kịp đẩy anh Hòa xuống hầm rồi lao theo, sau đó thì không biết chi cả" - bà Thông kể. Sau đó bộ đội, thanh niên xung phong và người dân lao vào đào bới đất đá tìm kiếm các chiến sĩ của Tiểu đội 2. Truông Bồn ngập trong nước mắt mất mát, đau thương khi 13 người đã vĩnh viễn ra đi lúc vừa tròn mười tám, đôi mươi.
Bà Thông kể, trước ngày đau thương ấy, những con người dũng cảm của Tiểu đội 2 đều hồi hộp và vui sướng vì chỉ một ngày nữa, họ sẽ được xuất ngũ trở về nhà. Có người đã định ngày cưới như đồng chí Cao Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Tâm, có người đã cầm giấy báo nhập học của các trường, có người mong chờ được về với mẹ...
Theo bà Thông, việc bà còn sống là điều vô cùng kỳ diệu. Khi đào xuống, mọi người phát hiện bà bị vùi sâu dưới lớp đất đá. Bà Thông sau đó được đưa về nhà mẹ Nguyễn Thị Thởm ở xã Mỹ Sơn, huyện Ðô Lương (Nghệ An).
Tại nhà mẹ Thởm, một anh bộ đội và một y tá trên đường hành quân qua đã trực tiếp cứu chữa cho bà Thông. Trước khi đi, các anh để vào tay nữ bệnh nhân còn đang hôn mê một tờ giấy nhỏ ghi rằng: "Các anh đến đây khi em vừa bị thương. Nay vì phải hành quân, các anh đi đây. Em ở lại cố gắng mau khỏe nhé, cô gái thanh niên xung phong!".
|