VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT - WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0916.480.772
Hôm nay: 14483  - Tất cả: 21,474,477
 
CHIẾN CÔNG > CHIẾN CÔNG Bản in - Lượt xem: 13488
Những cô gái, chàng trai làm nên bản tráng ca bất tử Truông Bồn
Tin đăng ngày: 2/12/2014 - Xem: 13488
 

Chẳng thể chờ đến tháng Vu Lan khói hương nghi ngút. Chẳng đợi tới ngày 31 tháng 10 tưởng vọng trang nghiêm. Tôi tìm về quê em làng Đựa, thuở cháo rau nuôi em nên người, để rồi những Trúc, những Nga và lớp lớp thế hệ trẻ thời chiến rối rít cùng em trở thành cô thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Và em cùng bao nhiêu gương mặt gái, trai quả cảm đã hóa thân vào đất đai xứ sở làm nên bản Tráng ca bất tử.

Ở lớp 4C cấp 1 Quỳnh Ngọc, em nhút nhát nhất. Bạn bè không nỡ trêu khi em tới lớp với bộ cánh áo nâu, quần thâm may bằng thứ vải thô ráp, nhuộm bùn, nhuộm nâu. Quỳnh Ngọc quê mình giờ đỏ da, thắm thịt. Làng Đựa nơi em cất tiếng khóc chào đời năm Canh Dần vào thập kỷ 21 này đã có bát ăn, bát để, nhà cao tầng mọc san sát ven sông Thai. Thế mà tôi không thể thắp cho em được một nén hương trước bài vị với cái tên nhỏ nhoi Đinh Thị Vinh. Em ngã xuống vào sáng 31/10/1968 sau trận bom tàn khốc cùng 12 đồng đội C317 TNXP. Bất chợt ký ức Truông Bồn một thời hào hùng, một thời máu lửa như thức dậy, như tràn về lớp lớp trong tôi.

Vinh ơi! Thuở ấy, khi tuyến đường 1A bị cắt đứt từ Hàm Rồng vào Bến Thủy, em cùng tập thể Đại đội 317, 304 chốt giữ Truông Bồn mà đâu biết tuyến đường 15A kéo dài từ dốc Bò Lăn (giáp Thanh Hóa) tới phà Linh Cảm, nối ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) có độ dài gần 400km đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng không quân Mỹ. Khi chiếc máy bay F4H mang mật danh "Con ma" bị trung đoàn pháo cao xạ 233 bắn cháy, xác rơi tại Cát Mộng (Nghĩa Đàn), trong tấm áo bay cháy sém của tên giặc lái đã lộ ra tấm bản đồ quân sự tối mật. Trên tấm giấy cứng chống cháy mang dòng chữ "Carte martial" (bản đồ quân sự) tỷ lệ một phần triệu có ghi chi chít ký hiệu "abruyt Bon", "pente Tram", "Cote Lui" men theo sợi chỉ đỏ ký hiệu "Voie"; nghĩa dịch tiếng Anh là dốc Bồn, dốc Trầm, dốc Lụi thuộc đường 15A. Trên mỗi điểm ký hiệu địa danh ấy đều được vạch chéo chữ thập với dòng chữ "De truire", có nghĩa phải hủy diệt. Riêng bến phà Nam Đàn, Bộ Tham mưu không lực Hoa Kỳ tại căn cứ Guy Am ghi vào tấm bản đồ dòng chữ "Decepiter un parti politique" (nghĩa là bộ phận chủ yếu). Và chúng cũng không quên ra lệnh cho giặc lái phải "Aneantir" (cần hủy diệt)...

Tiểu đội thép Truông Bồn khẩn trương san lấp hồ bom để thông đường, thông xe tại trọng điểm Truông Bồn.

Đây là bức ảnh trong tấm phim duy nhất mà PV Phùng Triệu (TTXVN) còn lưu giữ lại về “tiểu đội thép” anh hùng

Từ tháng 3/1967 đến tháng 8/1968, không quân chiến lược Mỹ từ đảo Guy Am, căn cứ quân sự Utapao (Thái Lan) đã xuất kích hàng nghìn lượt máy bay với đủ loại F8A, F4, F105D, AĐ6, F111 dội hàng vạn quả bom phá, bom sát thương xuống tuyến đường 15A. Trọng điểm dốc Bò Lăn, dốc Lụi (Nghĩa Đàn), Phà Sen, Khe Thần, Truông Trầm (Tân Kỳ), Cống Hiệp Hòa, Cầu Khuôn, Cầu Om, Truông Bồn (Đô Lương), dốc Cũi Lợn, Nam Nghĩa, phà Nam Đàn (Nam Đàn), Cầu Rào Gang (Thanh Chương)… ngập chìm khói bom. Thâm độc hơn, chúng còn ném bom từ trường, bom hẹn giờ gắn bộ phận chống tháo gỡ ngòi nổ. Và lần đầu tiên, không quân Mỹ thả "cây nhiệt đới", loại thiết bị điện tử dò tiếng động cơ giới để báo tọa độ có xe vận tải dọc tuyến đường 15A cho máy bay ném bom. Tháng 3/1967, máy bay chiến lược B52 từ căn cứ Utapao (Thái Lan) đã rải thảm bom tấn đoạn đường qua dốc Lụi, Khe Thần, Truông Trầm (Tân Kỳ). Gần 300 chiếc xe cơ giới chuyển hàng vào mặt trận đã trúng bom dọc tuyến đường 15A khi chưa chạm Truông Bồn. Mật độ đánh phá dày đặc với tính chất hủy diệt của không quân Mỹ vào hệ thống giao thông Nghệ An, những tháng cuối năm 1967, đầu năm 1968 đã cản trở lượng hàng hóa chuyển tới chiến trường miền Nam. Từ 6.500 tấn hàng mỗi tháng qua Nghệ An, sau chỉ còn 1.420 tấn. Bọn giặc lái Mỹ xảo quyệt thay đổi thủ đoạn ném bom theo thời tiết, chọn trọng điểm ách yếu đánh phá liên tục xuống 70 km dốc cao, bờ vực, bãi lầy và 30 chiếc cầu trên tuyến đường 15A. Truông Bồn trở thành "cửa tử" là điều hiển nhiên.

Vào một ngày tháng 2/1968, giữa hai trận bom, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Tư lệnh Bộ chỉ huy bảo đảm giao thông Khu 4 cùng đồng chí Chu Mạnh - Chủ tịch tỉnh đã có mặt tại Truông Bồn. Giữa bốn bề ngập ngụa đất, đá ám nặng khói bom, ý chí "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" cộng với nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên mặt trận bảo đảm giao thông được nảy nở, lan tỏa mãnh liệt trong trí tuệ vị Tư lệnh và nhiệt huyết "Ba sẵn sàng" của cán bộ, chiến sỹ Thanh niên xung phong đang đối mặt với cái chết ở "tọa độ lửa" Truông Bồn. Phải có ý chí vững tin đến độ bình thản trước sống chết ấy, chàng trai Nguyễn Tâm Cớn, C317 mới đủ bản lĩnh bám trụ ở "cửa tử" ròng rã mấy tháng trời, mưu trí phá gần 300 quả bom nổ chậm loại 300 bảng Anh. Thâm hiểm hơn, bọn giặc lái Mỹ còn ném xuống quanh khu vực Truông Bồn loại bom từ trường. Chỉ cần sử dụng xẻng, cuốc đào bới thậm chí xung lực của đoàn xe cơ giới vượt qua khu vực có loại bom này cũng kích thích gây nổ đồng loạt cả trăm quả.

Năm 1969, khi tôi tìm đến anh Nguyễn Tâm Cớn để viết về một tấm gương phá bom. Với gương mặt sạm nắng, khắc khổ, giọng đặc sệt vùng lúa Yên Thành, anh chìa cho tôi xem thỏi nam châm dài vừa ba đốt tay cùng cuộn dây cước đã lên màu mốc xỉn. Anh cười rổn rảng và nói: "Đây là dụng cụ phá bom từ trường Mỹ rất công hiệu của tôi".

Rồi anh kể: Khi xác định được vị trí quả bom, người đánh nó phải quan sát, tìm vị trí tiếp cận gần nhất, dùng xẻng gỗ đào hầm tránh sức ép và mảnh bom. Sau đó tung cuộn dây cột thỏi nam châm sao cho vượt vị trí quả bom nằm vài ba mét rồi chầm chậm rút dây về. Thỏi nam châm phát sóng từ đủ mạnh gây nổ bom ở khoảng cách an toàn cho người phá bom.

Tôi còn nhớ năm 1972, Nguyễn Tâm Cớn đã được báo cáo điển hình tại Hội nghị thi đua "Hai giỏi" của tỉnh, rồi Quân khu 4 với sáng kiến phá bom từ trường bằng công cụ thô sơ.

Sau ngày 11 cô gái và 2 chàng trai Thanh niên xung phong C317 (Truông Bồn) rồi 11 gương mặt trẻ trung C339, C324 (Cầu Cấm) ngã xuống vì sự sống mạch máu giao thông, đâu đâu trên tuyến lửa Khu 4 cũng bắt gặp hào khí Truông Bồn trong rì rầm, hối hả những đoàn xe vượt dốc, vượt trọng điểm tiến vào mặt trận.

Lời thề của Tổng đội TNXP mang mật danh XK300, của ngành Giao thông vận tải và nhân dân Nghệ An mở thêm những cung đường, những tuyến đường thay cho người vừa khuất.
Lời thề ấy đã hòa trộn vào khối lượng đào đắp hơn 1 triệu mét khối đất đá, sửa chữa 462 km đường tránh, đường xế, mở thêm 45 bến phà, khôi phục 318 lượt cầu vượt sông, tạo thế chủ động thông xe đưa hơn 1 triệu tấn hàng vào mặt trận.

Đường tới chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, trên mặt trận giao thông vân tải Nghệ An kể từ năm 1965 đến cuối năm 1972 đã có tới 458 cán bộ chiến sĩ ngã xuống vì sự sống con đường.

Truông Bồn, Cầu Cấm, Bến Thủy, Rú Trét, Hoàng Mai, Mỹ Lý chưa thể là cổ tích, không thể là dĩ vãng về một thời máu lửa hy sinh, mất mát không thể bù đắp. Đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn còn tươi nguyên giá trị nhân văn không chỉ cho thế hệ hôm nay.

Hẳn thế và phải thế mà kỹ sư Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc sở GTVT Nghệ An tự hào thông báo tại cuộc giao ban báo chí: ngành GTVT Nghệ An đảm nhận trách nhiệm chủ đầu tư nâng cấp, tôn tạo, xây mới hoành tráng hơn, bề thế hơn khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Văn Hiền

<< Chiến công >>
  Trang chủ | Giới thiệu | Tin tức | Tiểu đội Anh hùng | Chiến công | Tri ân | Thơ văn | Video - Bài hát | Liên hệ | Diễn đàn Len dau trang
Trang thông tin điện tử: "truongbon.vn"
Bản quyền thuộc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Truông Bồn
Ghi rõ nguồn gốc: truongbon.vn khi phát hành thông tin từ Website này
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An: 
Trưởng ban biên tập: Giám đốc - Phan Trọng Lộc