VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT - WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0916.480.772
Hôm nay: 13306  - Tất cả: 21,634,314
 
CHIẾN CÔNG > CHIẾN CÔNG CỦA NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG Bản in - Lượt xem: 12894
Liên khúc tri ân Truông Bồn
Tin đăng ngày: 8/9/2014 - Xem: 12894
 

(Baonghean) - Trong biên niên sử giữ nước oanh liệt của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, có cống hiến vẻ vang của lực lượng TNXP Việt Nam- một binh chủng không đeo sao vạch, không quân hiệu, quân hàm. Một binh chủng ra đời trong kháng chiến chống Pháp và được tái lập trong tháng năm nóng bỏng của kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong những cống hiến vẻ vang đó, có sự hy sinh của các chiến sỹ Lực lượng TNXP Truông Bồn vào sáng ngày 31/10/1968.

Sáng 31/10/1968 nhằm 10/9 Mậu Thân, trong 4 tiếng đồng hồ, từ 6h10 đến 10h10, Mỹ tiến hành 3 đợt oanh tạc (chứ không chỉ 1 đợt), trút 170 quả bom tấn xuống phạm vi chiều dài 120m, chiều rộng 50m, nhằm hủy diệt trọng điểm Truông Bồn! Với sức công phá của 170 quả bom tấn trên phạm vi 6.000 m2, bình quân 35m2hứng trọn 1 quả bom, đến xương sắt, da đồng cũng không nguyên vẹn bởi mật độ dày đặc và cường độ công phá khủng như thế! Từ chỗ thử đặt mình giữa khốc liệt ấy, tôi không thể quên lần đầu tìm gặp anh Nguyễn Xuân Thỏa, nguyên Đại đội trưởng giữa lam lũ đời thường. 
 
Cựu TNXP cảm động trước di tượng đồng đội TNXP hy sinh tại Truông Bồn. 	Ảnh: H.N
Cựu TNXP cảm động trước di tượng đồng đội TNXP hy sinh tại Truông Bồn. Ảnh: H.N
Nguyễn Xuân Thỏa (1936-2010) 
 
Giữa tháng 4/1997, tôi dò tìm gặp được chị Hường, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5, anh Nguyễn Xuân Phương Đại đội phó C317 phụ trách kỹ thuật. Chiều ấy tôi nhờ anh Phương ngồi sau xe dẫn đường, xuất phát từ nhà chị Hường vòng vèo chừng 30 cây số đường đất lên xã miền núi Sơn Thành, huyện Yên Thành để gặp anh Thỏa. Trong nắng chiều đầu hè oi bức, khi đến ngoài cổng nhà anh Thỏa tôi đã giữ ý tắt xe máy để anh Phương vào trước, tôi thì mồ hôi nhễ nhại dắt xe máy theo sau. Bước vào tới sân anh Phương lên tiếng: -Báo cáo Đại đội trưởng, có nhà báo muốn gặp anh!
 
Anh Thỏa đang quần đùi, áo may ô, lúi húi gia cố mái che của bể tích trữ nước mưa, anh ngừng tay hằm hằm đi vào: - Báo chí gì các anh, chúng tôi đang như cóc kêu trời không thấu. Tại sao viết bao nhiêu bài rồi nay mới đến gặp tôi? Tôi điềm tĩnh: - Thưa anh! Bao nhiêu bài báo về Truông Bồn, đăng ở đâu, do ai viết em không cần biết, hôm nay em là P.V Báo Lao động muốn gặp anh cũng vì sự thật chưa được phát lộ, đề nghị anh kiểm tra thẻ nhà báo của em. 
 
Không thèm xem thẻ, cũng chẳng mở lời mời tôi vào nhà, anh Thỏa lẳng lặng đi vào nhà bếp. Tôi bấm bụng theo anh Phương vào chiếm lĩnh bàn uống nước và... chờ, lát sau anh Thỏa bước ra với bộ quần áo TNXP quen thuộc. Không nói không rằng, cả ba người im lặng. Tôi không bỏ qua từng động tác nhỏ từ gương mặt vẫn chưa hết tức giận của gia chủ. Anh Thỏa tự tay pha trà rót ra 3 chén, tôi chưa uống vì còn chờ anh mời. Bổng anh xoay người mở cánh tủ gỗ, lôi ra chai rượu nút lá chuối còn chừng một nửa, anh cẩn thận tráng sạch 3 cái chén và rót 3 chén rượu đầy tràn. Vẫn không nói không rằng anh giơ chén rượu ra trước mặt khách. Anh Phương và tôi biết ý cùng nâng chén, nhưng tôi cố tình chưa uống để chờ lệnh của gia chủ. Anh Thỏa vẫn không mời nên tôi đành nhắm mắt cạn chén, nói đúng hơn tôi đã uống trọn thái độ “tức cá chém thớt” của gia chủ. Dường như anh Thỏa đã nhận ra sự nóng nảy của mình, anh cầm tấm thẻ nhà báo của tôi lên xem:
 
- Bây giờ cậu cứ ghi âm, nếu ai đó có “y án tử hình” thì trước khi chết tôi vẫn nói lên sự thật. Đau lắm nhà báo ơi. Về hưu làm thằng thường dân, quyền không, tiền không, thân cô thế cô, không dũng cảm bảo vệ được sự thật mới ra nông nỗi này. 
 
Rồi anh gục đầu xuống mép bàn như để tạ lỗi với đồng chí, đồng đội của mình. Tôi nhìn anh Phương, anh Phương ghìm xúc động hướng mắt ra phía xa xanh. Đã qua bao cuộc xã giao tôi chưa bao giờ gặp và phải cạn chén rượu lắm cay nhiều đắng như chén rượu của anh Thỏa rót ra. Song sự kiên nhẫn đã giúp tôi gặp và được anh Thỏa trải lòng, nhờ vậy tôi mới biết “sự thật của sự thật”, cũng như biết chỗ để sau đó tìm ra chị Trần Thị Thông, từ đó mới có phóng sự Ngược Truông Bồn trên Báo Lao động Việt Nam, số 74, ra ngày 10/5/1997, góp phần giải tỏa bức xúc của hằng ngàn cựu TNXP chống Mỹ đã về giữa đời thường. Sau “tiếng bom dư luận” ấy, các cựu TNXP Nghệ An có mấy lần gặp mặt tại Vinh, Ban Liên lạc đều nhờ chị Hoàng Thị Ngọc Điệp trực tiếp đưa giấy mời tôi tham dự, riêng các anh, các chị cựu TNXP C317 coi tôi như một hội viên ngoại lệ. 
 
Nhớ có lần anh Thỏa chủ động nắm tay tôi nhắc chuyện cũ: - Hôm anh Phương đưa chú mày đến nhà. Vì đang bức xúc "cóc kêu không thấu trời" nên anh có nặng lời, chú mày thông cảm cho anh, vì anh đang phải đứng mũi chịu sào trước một sự thật cần được làm sáng tỏ!
 
Tôi rưng rưng cảm nhận hơi ấm từ lòng tay anh truyền sang, và nhìn rõ ngổn ngang cõi lòng từ thẳm sâu lời xin lỗi ấy. Ở đó vẫn sừng sững trách nhiệm của người chỉ huy cao nhất của C317 với những đồng chí, đồng đội đã hy sinh, với hằng trăm cựu TNXP trở về giữa đời thường đang vẫy vùng trong lam lũ. Dù họ “thấp cổ bé họng” nhưng họ luôn là nhân chứng sống, đã đang sát cánh cùng anh để bảo vệ một sự thật lịch sử đã bị ai đó làm cho méo mó.
 
Ngày 6/10/2008, trước thềm Đại lễ kỷ niệm 40 năm sự kiện Truông Bồn, và đón nhận danh hiệu Đơn vị AHLLVTND, tôi cùng anh Đinh Văn Ngư, Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Nghệ An đến thắp hương viếng các Liệt sỹ TNXP Truông Bồn và tặng quà các gia đình liệt sỹ TNXP Truông Bồn. Tại huyện Yên Thành, 9 gia đình liệt sỹ ở rải rác 9 xã, trọn 1 ngày chúng tôi chỉ đến được 6/9 gia đình. Bữa đó tại xã Sơn Thành, sau khi thắp hương viếng Liệt sỹ Trần Thị Doãn, anh Ngư và tôi đến nhà thăm anh Nguyễn Xuân Thỏa, nhưng trước đó mấy hôm anh Thỏa đã vào Bệnh viện Đa khoa Nghệ An điều trị bệnh nên không gặp được. Thế rồi…
 
Ngày 1/12/2010 tại xã Lăng Thành, sau khi có trong tay 4 trang Biên bản hiện trường, trước khi rời nhà ông Hoàng Thanh Vận về Vinh, tôi nhờ anh Tâm Cớn dẫn đường đến xã Sơn Thành thăm anh Thỏa, nào ngờ anh Cớn cho biết anh Thỏa mất đã mấy tháng vì bạo bệnh. Đảng ủy, chính quyền xã Sơn Thành, các cựu TNXP C317 tại huyện Yên Thành phối hợp tổ chức lễ tang anh chu tất, trọng thể. Họa vô đơn chí. Anh Thỏa ra đi chừng 3-4 tháng thì vợ anh theo chồng về cõi vĩnh hằng. Khi trên 2 ban thờ còn đang nghi ngút khói hương thì đến lượt vợ chồng cô con gái của anh Thỏa cũng kẻ trước người sau ra đi trong vòng một tháng. Tiếp đến cô cháu gái làm ăn trong Nam, vì bụng mang dạ chửa về quê chờ sinh nở, nhưng chưa kịp đến ngày khai hoa cũng đã ra đi…
 
Vậy nên khi đoàn vào nhà thắp hương viếng nguyên Đại đội trưởng C317 kiên cường, chúng tôi chỉ gặp người con gái của anh lấy chồng xóm bên. Mấy tháng nay cô phải gửi con nhờ ông bà nội chăm sóc, một mình về nhà túc trực khói hương trên ban thờ bố mẹ. Anh Nguyễn Tâm Cớn cùng tôi tìm trong bao ni lông sinh thời anh Thỏa dùng để cất giữ tài liệu, song không có giấy tờ liên quan đến thời C317, chỉ thấy 2 bài báo viết về Truông Bồn, bản phô tô, được anh cất giữ. Đó là Phóng sự Ngược Truông Bồn của tôi, và bài Day dứt Truông Bồn của anh Vương Trọng, qua bản phô tô nên tôi không biết bài này đăng trên báo nào.
 
Chị Trần Thị Thông (ở giữa) - người sống sót duy nhất của Tiểu đội thép Truông Bồn và các cựu TNXP ngày gặp lại.	Ảnh: H.N
Chị Trần Thị Thông (ở giữa) - người sống sót duy nhất của Tiểu đội thép Truông Bồn và các cựu TNXP ngày gặp lại. Ảnh: H.N
Liệt sỹ Hoàng Thị Nhung
 
Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Thanh Vận ở thôn Đồng Sum (xóm 11), xã Lăng Thành, ông Vận là anh trai đang thờ em gái liệt sỹ.  Vợ chồng cụ Hoàng Đình Liên (mất năm 1986) - Trần Thị Hoắt (mất 1992) sinh hạ được 4 người con: Hoàng Thị Duyến, Hoàng Thanh Vận, Hoàng Thị Nhơ, Hoàng Thị Nhung. Ông Vận là con trai duy nhất trong gia đình, đầu năm 1965 ông đi bộ đội, giữa năm 1965 cô Nhung đi TNXP, bấy giờ gia đình ông Liên, bà Hoắt đang ở xóm Lạc Thiện, xã Phú Thành (năm 1978 mới di dời nhà cửa lên xã Lăng Thành). Nhà vừa neo đơn vừa hoàn cảnh đặc biệt nghèo khổ, cuối năm 1965 cấp trên cho ông Vận giải ngũ trở về địa phương chăm nuôi bố mẹ. 
 
Bà Vương Thị Phòng  vợ ông Vận nhớ lại: Người ta bảo chị dâu mụ O khó ở với nhau, rứa mà tui với O Nhung quấn quýt thương nhau như chị em gái. Trước bữa O đi TNXP, trong nhà không có chi để liên hoan tiễn O, tui tặng O chiếc quần lụa mới may đã mặc thử một lần rồi cất để dành. Năm 1967, O được tranh thủ về thăm nhà, bữa đó O nói: - Chị ơi, chiếc quần lụa chị tặng trước hôm nhập ngũ, em đã cho con gái nhà chủ rồi chị ạ! Nhà bà chủ nghèo như nhà mình, cô con gái đi học không có quần thay, em thương nó đứt ruột mà không giúp được gì! 
 
Bà Phòng kéo áo lau nước mắt rồi tiếp. Thương O còn quá trẻ, anh dũng hy sinh mà thi thể không lưu lại chút gì, cho đến hôm nay tui vẫn không dứt nổi ý nghĩ: Đất lại trở về đất, cơ thể của O nõn nà trắng trẻo như thế, vậy mà khác chi một hòn đất, một lần rơi đã hoàn toàn vỡ vụn. O hy sinh buổi sáng, cuối buổi chiều ông Nguyễn Đức Hinh công tác ở Ban Chính sách tỉnh đội Nghệ An về qua nhà báo tin. Trước đây ông Hinh đã làm lễ ăn hỏi bà Duyến (chị ruột của O Nhung), sau đó bà Duyến đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường thượng Lào, về quê mất năm 1956 vì bệnh tật, hiện ông Hinh là đại úy về hưu tại quê. Hồi O Nhung sinh hoạt chi đoàn ở quê đã có anh Nguyên người cùng xã năng qua lại tìm hiểu, sau đó anh Nguyên cũng đi TNXP và lấy vợ quê tỉnh Bắc Thái. 
 
Trong thời gian O Nhung tại ngũ TNXP, có anh Lợi quê xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, làm việc tại Nông trường Sông Con. Hai người thương yêu nhau, sau khi O Nhung hy sinh, anh Lợi có về ở trong nhà ông Liên, bà Hoắt 1 tháng để trực tiếp chăm nom khói hương nơi bàn thờ người yêu, từ ấy đến nay gia đình không thấy anh Lợi trở lại nữa. Trước tấm lòng sâu nặng và  nghĩa cử cao đẹp đến như thế, ngỡ như chỉ có ở thế hệ vàng thời cứu nước, nên ông Vận, bà Phòng rất muốn biết ông Lợi hiện đang ở đâu cho gia đình thân nhân Liệt sỹ Hoàng Thị Nhung được gặp để nói lời cảm tạ. 
 
Chúng tôi được chị Nhung cho phép mở "tàng thư" để biết thêm một số chi tiết quan trọng về trận bom hủy diệt trọng điểm Truông Bồn. Như tôi biết bộ hồ sơ gốc của Liệt sỹ Hoàng Thị Nhung là rất đầy đủ gồm: Sơ lược lý lịch lập 3/10/1968. Bản tự nhận xét và chọn cử cán bộ đi học Trung học chuyên nghiệp lập 3/7/1968. Sơ lược lý lịch do chị Nhung viết tay ngày 3/10/1968. Phiếu thẩm tra lý lịch do chị Nhung viết tay không đề ngày tháng. Sơ lược tiểu sử liệt sỹ lập 31/10/1968, Sơ đồ các liệt sỹ bị mất tích lập 3/11/1968. Biên bản kiểm kê tư trang của đồng chí Hoàng Thị Nhung lập 31/10/1968 (sau khi hy sinh), theo đó: Ni lông xanh 1 cái, sách học sinh 1 tập, êke ha 1 cái, khăn mùi xoa 1 cái, khăn bông trắng 2 cái, gối trắng 1 cái (còn dở), áo sơ mi dài 5 cái (2 màu), áo len đỏ 1 cái, khăn dù 1 cái, tóc mướn 1 cái, lược sừng đen 1 cái, quần dài đen 4 cái (1 quần âu), vải màu kẽm 6m6, vải màu tro 6m7, bạc 30 đồng, phiếu gạo 6 cân rưỡi, xà phòng 1/2 miếng, (…), tổng cộng 18 loại khác nhau. 
 
Tất cả được chuyển giao đến các thân nhân gia đình.
 
Liệt sỹ Nguyễn Thị Phúc
 
Là anh trai đang thờ phụng em gái liệt sỹ, ông Nguyễn Trọng Quang (SN 1934), trú thôn Yên Sơn (xóm 6), xã Phúc Thành, Yên Thành cho biết: Phần mộ Liệt sỹ Nguyễn Thị Phúc đã được quy tập về Nghĩa trang gia tộc tại quê nhà. Vợ chồng cụ Nguyễn Trọng Phan - Nguyễn Thị Đích sinh được 7 người con: Nguyễn Trọng Quang, Nguyễn Trọng Lưu, Nguyễn Trọng Dục (mất sơ sinh), Nguyễn Thị Em (mất lúc nhỏ), Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Thị Vinh. 
 
Tuổi trường làng, cô Phúc buổi đi học buổi tham gia làm ruộng tại cánh đồng Hồ Rĩ, gia cảnh túng bấn nên hết lớp 7/10 cô đành nghỉ học làm lụng nuôi thân. Trước khi cô gia nhập TNXP, anh Bùi Sáu người xã Đô Thành đã mấy lần đến nhà chơi đặt vấn đề tìm hiểu. Anh Sáu cao to, hiền lành từng ngồi nói chuyện với ông Quang và các anh em trong gia đình, sau đó anh Sáu đi bộ đội hy sinh.  Tính cô hay e thẹn, vào TNXP anh em trong đơn vị thường chê cô luộm thuộm, cô bảo: "Các anh lạnh đạo ăn cơm xong nỏ rửa bát nữa là bừa tui". Sau 18 tháng nhập ngũ, cuối 1966 cô Phúc được tranh thủ về 2 ngày thăm nhà, bấy giờ ông Quang đang làm kế toán HTX thường hay vắng nhà, cô bảo: - Đơn vị đóng ở Ô Rô, huyện Tân Kỳ, em được về vài ngày. Anh ở nhà cố gắng chăm nuôi mẹ là giúp em yên tâm làm nhiệm vụ. Sau hôm xẩy ra trận bom hủy diệt Truông Bồn, dù chưa hề có tin gì về cô Phúc cả, vậy mà bữa đó ông Quang đang đi xe đạp sang làng bên, tự dưng có một con chim đuôi rất dài sa vào nan hoa bánh trước, hôm sau nhận giấy báo tử cô Phúc hy sinh.  
 
Mấy năm trước trong những lần đi sưu tầm di vật của các Liệt sỹ Truông Bồn, ông Tâm Cớn tìm được bức thư của Liệt sỹ Nguyễn Thị Phúc viết cho đồng đội là anh Mai Viết Thân, ông Cớn cho biết: Ngày ấy xã Phúc Thành có 3 người là Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Phương, Mai Viết Thân cùng gia nhập TNXP một ngày, cùng ở một đơn vị. Trong thời gian đơn vị làm nhiệm vụ tại khu vực Rào Gang thuộc huyện Thanh Chương, anh Thân chị Phương có ý yêu nhau, sau đó anh Thân được điều chuyển sang C334 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sông phục vụ chiến trường. Sau đây là nội dung bức thư của chị Phúc viết cho anh Thân:
 
T 317     Thanh Chương... 66
 
Anh Thân mến nhớ.
 
Cây xa cành cây còn nhớ cội
 
Người đồng hương xa nhau chúng ta vẫn nhớ tới nhau.
 
Thân anh ! Hôm nay em đi tập quân sự về mà trong lòng em cứ nhớ người anh ở phương xa đã chung sống với em một thời gian khá dài rồi. Giờ phút nhớ đó em liền mở ba lô ra lấy bút viết vài dòng gửi đến anh.
 
Trước hết em hỏi thăm sức khỏe của anh hiện nay ra sao. Công tác anh có thay đổi không. Báo tin cho em biết với nhé.
 
Thân anh ! Kể ra thì anh em chúng ta đã xa nhau cũng khá dài rồi, ngày sống chung với nhau có ít thôi mà ngày ta xa nhau nó dài không biết khi nào gặp nhau để anh em chúng ta kể được nhiều chuyện trạng. Anh ơi có câu:
 
Sông kia ắt phải có cầu
 
Anh em ta xa nhau ắt phải có ngày gặp nhau
 
Thân anh ! Mặc dù như thế nào chúng ta cũng gặp mặt nhau thôi.
 
Thân anh ! Vừa rồi em cũng tiếp được thơ anh gửi cho em. Khi em cầm chiếc thơ của anh, em lấy làm băn khoăn trong dạ. Em đọc lá thơ của anh em nghe tin anh được kết nạp Đảng rồi, em rất vui mừng và phấn khởi đã có một người anh đi ra có tiến bộ như thế là em mừng lắm anh ạ.
 
Thân anh ! Chúng ta bây giờ ra đi làm nhiệm vụ xa nhà xa quê hương thì tuổi chúng ta còn ít, do đó ta cũng nhớ nhà. Cho nên anh em chúng ta luôn luôn phải biên thơ cho nhau để động viên trên công tác anh nhé. Kể ra thì mọi khi anh ở trong một xã, bây giờ anh ở xã khác thì chúng ta cũng coi như một xã nhé, đừng coi xa hơn nhé, mà chúng ta luôn trao đổi trên miếng giấy nhỏ này nhé. Mong anh đừng quên người đồng hương đi nhé.
 
Thân anh! Em hỏi anh một chuyện nhé, anh có đồng ý không. Thân anh! Sao mà anh ra đi cho tới nay không viết thơ cho chị Phương. Giữa chị và anh có chuyện gì phải không. Nhưng anh ạ, mặc dù như thế nào anh cũng nên viết thơ cho chị, đừng bỏ đi nhé. Thôi, đó là em nói thế thôi, còn tùy anh chị, và anh nên nghĩ lại. 
 
Đến đây em xin anh hạ bút thơ sau em viết nhiều, lời cuối em chúc anh và các bạn anh luôn luôn vui khỏe đạt được nhiều thành tích tốt. Thế nào cũng có lỗi Hạ bút chờ thơ anh. Mong anh hãy hết sức thông cảm nhé. Em của anh đồng hương Thơ này vì bận thơ sau nói nhiều.   (chữ ký) 
 
Nguyễn Thị Phúc
 
Đó là những dòng tình cảm của một liệt sỹ TNXP Truông Bồn mà chúng tôi tìm được từ “tàng thư” trong một chuyến tìm tư liệu để viết về Truông Bồn huyền thoại.
 
 
Ghi chép: GIAO HƯỞNG
<< Chiến công của nhân dân địa phương >>
  Trang chủ | Giới thiệu | Tin tức | Tiểu đội Anh hùng | Chiến công | Tri ân | Thơ văn | Video - Bài hát | Liên hệ | Diễn đàn Len dau trang
Trang thông tin điện tử: "truongbon.vn"
Bản quyền thuộc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Truông Bồn
Ghi rõ nguồn gốc: truongbon.vn khi phát hành thông tin từ Website này
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An: 
Trưởng ban biên tập: Giám đốc - Phan Trọng Lộc