“ Chúng tôi đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao chẳng tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi
Thì làm chi còn tổ quốc”
Đi khắp dọc dải đất nước đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp những nghĩa trang liệt sỹ với những nấm mồ riêng dù có tên hay là vô danh. Với Truông Bồn thì có một điều đặc biệt đó là ngôi mộ chung của 13 chiến sỹ TNXP tiểu đội thép hy sinh vào thời điểm ít giờ nữa Đế quốc Mỹ thực hiện Hiệp định đình chiến, ngừng ném bom hạn chế Miền Bắc. Những chàng trai, cô gái vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất, có những người không có một tấm di ảnh để lại. Họ đã hiến dâng tuổi trẻ, tình yêu, ước vọng tương lai… của mình để làm nên một Truông Bồn bất tử. Truông Bồn cũng như vô vàn địa danh khác là chững tích hào hùng của dân tộc. Đã có bao thế hệ thanh niên ra đi chiến đấu với lí tưởng cao đẹp đó? Và đã có bao người ngã xuống tô thắm màu cờ tổ quốc, để có được nền hòa bình như hôm nay, ông cha ta đã phải đánh đổi rất nhiều.
Khu di tích lịch sử quốc gia Truông bồn thuộc địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nơi đây có những người con gái, con trai lứa tuổi 20 đã ngã xuống, máu của họ hòa tan vào đất, đá, cỏ cây, những con người đó đã viết nên một huyền thoại mang tên Truông Bồn. Trong những năm tháng kháng chiến chống mỹ trọng điểm Truông Bồn nằm trên cung đường 15A là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của hàng vạn người. Trong đó, có hơn 1248 cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do cho tổ quốc.
Hiện nay ban quản lý đã gần 5 năm đi vào hoạt động, đón tiếp được hàng nghìn lươt khách, từ mọi miền Tổ quốc và quốc tế về thăm biếng các AHLS. Nhìn chung công tác đón tiếp và phục vụ của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn là một trong những điểm đáng ghi nhận và để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng du khác. Khu di tích lịch sử Truông Bồn ngày càng khang trang, sạch đẹp, quy củ và bài bản hơn. Suốt các ngày trong tuần, trong tháng, trong cả năm công việc đón tiếp và phục vụ du khách vẫn đều đặn diễn ra không kể lễ tết. Du khách dù miền Nam hay miền Bắc, miền xuôi hay miền ngược, trong tỉnh hay ngoại tỉnh; từ các em học sinh đến các cụ cao tuổi…Mỗi lần về với Truông Bồn, ngoài nhu cầu tâm linh dâng lên các AHLS những bông hoa, nén hương…thì tất cả muốn được nghe các thuyết minh viên của Khu di tích giới thiệu về Truông Bồn. Bao câu chuyện về lịch sử, câu chuyện về tình yêu lứa đôi thời chiến, hay những câu chuyện về tinh thần và sự quả cảm của những con người đã hiến trọn tuổi xuân cho đất nước đã được các thuyết minh viên Khu di tích truyền tải đến du khách về một Truông Bồn bi tráng của bản hùng ca bất tử.
Mọi người vẫn thường hay ví thuyết minh viên là “linh hồn” của những điểm đến. Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ thuyết minh, đội ngũ thuyết minh viên còn tập trung đón tiếp đoàn đại biểu về thăm viếng. Các giá trị về văn hóa, lịch sử và sự hy sinh anh dũng ngày 31/10/1968 của 13 chiến sỹ TNXP đã được truyền tải bằng những cảm xúc bi hùng được gieo vào tâm trí của du khách một cách chân thật nhất và giúp họ hiểu về lịch sử cũng như công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ.
Hầu hết các bạn thuyết minh viên cùng có chung cảm xúc đó là những bớ ngỡ, vất vả của những ngày mới vào nghề, không đơn giản cứ cầm mic rồi nói mà phải có cảm xúc để truyền tải tới người nghe. Qua những thắng ngày rèn luyện, tích lũy, bồi dưỡng và thử thách đội ngũ thuyết minh viên đã quen dần với công việc. Ngoài việc phải trau chuốt bài vở, rèn luyện kỹ năng, nâng cao chất lượng và nhập tâm để có những cảm xúc thực sự và trọn vẹn sau mỗi lần nói về các chị các anh, những người con bất tư đã hi sinh cho đất nước có ngày hôm nay, trên tất cả là sự tri ân, tận hiến của tập thể cán bộ viên chức, người lao động của Khu di tích lịch sử Truông Bồn trong đó có những đóng góp của đội ngũ thuyết minh viên.
Được làm nhịp cầu nối cho du khách mọi miền những thuyết minh viên tại khu di tích cảm thấy rất tự hào cảm thấy mình đã làm những việc có ích, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Với lòng yêu nghề, yêu mảnh đất này chúng tôi nói bằng cả trái tim của mình về những gì diễn ra tại chiến trường Truông Bồn. mỗi giọt nước mắt vì cảm phục và xúc động mỗi cử chỉ tri ân của họ với các anh hùng liệt sỹ sau khi nghe lời thuyết minh đó chính là thành công của thuyết minh viên. Nghề thuyết minh là một nghề rất đặc thù nó đòi hỏi thuyết minh viên phải có kiến thức, trách nhiệm và tinh thần để quảng bá và lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử. Công việc thuyết minh đòi hỏi nhiều yếu tố: kỹ năng giao tiếp với đám đông, nắm bắt được tâm lý du khách, khả năng giải quyết tình huống linh hoạt, khéo léo, đặc biệt cần có giọng nói truyền cảm lôi cuốn người nghe. Các em nuôi dưỡng những cảm xúc và “ thổi hồn” vào các di tích, hiện vật làm sống dậy lịch sử.
Phạm Thanh Hảo |