Ngày 30/10/1968, Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An dự định tổ chức bữa cơm chia tay 8 người có quyết định hết thời hạn TNXP trở về quê hương. Trong đó, anh Cao Ngọc Hòa trú tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu và chị Nguyễn Thị Tâm trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành đã cầm trên tay quyết định với dự định về quê tổ chức đám cưới. Thế nhưng, bữa cơm chia tay và những kế hoạch trọng đại của cuộc đời đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực, bởi họ đã hiến trọn tuổi xuân cho Tổ quốc với tinh thần: “Còn ở lại đơn vị một giờ là còn chiến đấu”.
Đã hơn 47 năm trôi qua kể từ ngày 13 chiến sỹ TNXP hy sinh trên tuyến lửa khi đang san lấp hố bom, mở đường ra tiền tuyến ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Bà Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317 vẫn còn nhớ như in nét mặt, nụ cười và ánh mắt của từng đồng đội năm xưa - những người đã cùng bà làm nên một Truông Bồn đi vào huyền thoại. Họ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất lịch sử khi mới ở lứa tuổi đôi mươi. Đến giờ, bà Thông vẫn nghẹn lòng nhắc lại kỷ niệm khi các chị Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Phúc, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên cầm trên tay giấy báo nhập học của Trường Trung cấp Y; còn anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm dự định trở về quê tổ chức đám cưới. Nhưng những ước mơ cao cả mà rất đỗi đời thường trên đã không trở thành hiện thực khi các anh, các chị đã nằm xuống, hoà vào đất mẹ thiêng liêng để Tổ quốc nở hoa độc lập.
“Đại đội 317 có 6 tiểu đội. Anh Cao Ngọc Hòa trước ở Tiểu đội 6, sau được tăng cường về Tiểu đội 2. Anh Hòa và chị Tâm yêu nhau nhưng thầm kín lắm. Chính tình bạn, tình yêu đã tiếp thêm sức mạnh để chị em luôn vững vàng, hiên ngang trước mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ”, bà Thông chia sẻ.
|
Di ảnh 2 liệt sỹ Cao Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Tâm |
Mặc dù nhiều người đã cầm trên tay quyết định nhập học nhưng 4 giờ ngày 31/10/1968, Tiểu đội 2 nhận được lệnh: “Bằng mọi giá phải mở con đường máu để đoàn xe của bộ đội đi qua trước khi trời sáng…”. Lúc đó, cả 8 chiến sỹ TNXP của Tiểu đội 2 đã tình nguyện ở lại thêm một ngày và khẩn trương bắt tay vào việc mở đường. Đến 6 giờ 10 phút cùng ngày, khi công việc sắp hoàn thành theo kế hoạch thì bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện và thả hàng trăm quả bom xuống con đường nơi 14 TNXP thuộc Tiểu đội 2 đang làm nhiệm vụ. Lúc này, cả Truông Bồn chìm trong khói lửa. “13 TNXP đã hy sinh mà không kịp nói với nhau lời cuối, trong đó có anh Hòa và chị Tâm đã ăn hỏi, chuẩn bị về quê tổ chức đám cưới. Còn duy nhất tôi bị thương”, bà Thông kể lại.
Chia tay Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, chúng tôi tìm về xã Hợp Thành, huyện Yên Thành - quê hương của liệt sỹ Nguyễn Thị Tâm. Anh Nguyễn Văn Đàn (cháu ruột liệt sỹ Tâm) cho biết: Bà Trần Thị Đàm (mẹ liệt sỹ Tâm) mới được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Mẹ Đàm sinh ra trong một gia đình có tuyền thống yêu nước. Năm 1925, bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Phiệt. Sau khi chồng qua đời, một mình mẹ lam lũ nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Trong cuộc đời của mình, mẹ Đàm 2 lần tiễn con lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nhưng cả 2 lần đó, mẹ đều không có cơ hội được đón các con trở về.
Năm 1948, mẹ tiễn người con trai đầu là Nguyễn Dơn lên đường nhập ngũ. Năm 1951, anh Dơn đã anh dũng hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ. Đến năm 1965, một lần nữa mẹ tiễn người con gái thứ 6 của mình là Nguyễn Thị Tâm lên đường gia nhập lực lượng TNXP, phục vụ tại các tuyến giao thông trọng điểm. Sau đó, chị Tâm được điều về đường 15A - tuyến đường độc đạo phục vụ cho chiến trường miền Nam thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Chị Tâm là người con gái đảm đang, hát hay, khâu vá giỏi nên được mẹ Đàm hết mực thương yêu, chiều chuộng.
“Ba năm tham gia lực lượng TNXP nhưng o Tâm chỉ về nhà 2 lần. Lần thứ 2 o về nhà cũng là lần cuối. Lần đó, o Tâm tâm sự với bố mẹ là o yêu anh Hòa ở cùng Tiểu đội 2, quê ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu. Sắp tới, gia đình anh đưa lễ vật sang dạm hỏi thì bố mẹ hãy vui vẻ nhận lời. Đầu tháng 11, khi 2 anh chị hết thời gian phục vụ trong lực lượng TNXP sẽ về quê tổ chức đám cưới. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, o Tâm vội vàng trở lại đơn vị. 4 ngày sau (30/10/1968), mẹ và anh trai của anh Hòa mang 20 quả cau, 2 chai rượu và 2 chục bánh gai đi bộ từ xã Diễn Lộc (Diễn Châu) lên tận nhà o Tâm để dạm hỏi.
Vì đường xa nên gia đình o Tâm mời họ ngủ lại qua đêm. Sáng 31/10/1968, khi gia đình tiễn người nhà anh Hòa ra về thì nghe tiếng bom nổ dữ dội nhưng không biết cụ thể ở đâu. Đến chiều, anh trai o Tâm (tức là bố đẻ của tôi) lúc bấy giờ làm Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành vội vàng đạp xe về nhà thông báo o Tâm và anh Hòa đã hy sinh. Hai năm sau, mẹ o Tâm đổ bệnh rồi qua đời”, anh Đàn kể lại.
Rời nhà mẹ Đàm, chúng tôi tìm về huyện Diễn Châu - quê hương của liệt sỹ Cao Ngọc Hòa. Nằm sâu trong xóm nhỏ dưới chân núi bạc thuộc xóm 11, xã Diễn Lộc là ngôi nhà ngói 3 gian chật hẹp, được bố mẹ anh Hòa xây từ khi 2 người lấy nhau. Bà Cao Thị Hợp (em gái anh Hòa) hiện sống trong ngôi nhà này đang phải đối mặt với căn bệnh khớp mãn tính. Bà Hợp nghẹn lòng kể lại: Anh Hòa là con thứ 3 trong gia đình có 4 người con. Bố mất khi anh lên 4 tuổi. Năm 1965, anh làm đơn tình nguyện gia nhập TNXP.
Trong 3 năm, anh chỉ ghé về thăm gia đình 2 lần. Lần thứ 2 là trước khi hy sinh khoảng 4 ngày, anh Hòa đưa chị Tâm về nhà giới thiệu. Anh nói với mẹ và anh Lợi vài hôm nữa đưa trầu cau lên nhà chị Tâm để dạm hỏi. Sau đó, 2 anh chị vội vàng trở lại đơn vị làm nhiệm vụ. Trước khi đi, anh còn động viên mẹ: “Con quyết định cưới vợ trong tháng tới. Mẹ đừng lo, đám cưới tổ chức đơn giản thôi, có các đồng đội trong tiểu đội TNXP về giúp đỡ nên đâu sẽ vào đó”. Thế nhưng, mọi dự định cho tương lai đã mãi mãi không thành hiện thực bởi họ đã nằm xuống nơi tuyến lửa để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc…
Chúng tôi - những người thực hiện bài viết này xin được thắp nén hương lòng gửi đến các liệt sỹ của Tiểu đội 2. Các anh, các chị đã mãi mãi ra đi, mang theo những ước mơ, hoài bão, khát vọng của tuổi thanh xuân và tình yêu đất nước để chúng tôi có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc như ngày hôm nay...
Theo Hữu Trọng Báo Công An Nghệ An.