Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao, người đã từ chối đi học ở nước ngoài để ra chiến trường cầm súng chiến đấu. Anh đã anh dũng hy sinh trên đất Nam Hưng (Nam Đàn), để lại cho đời những lẽ sống về tình yêu, sự cống hiến qua những lá thư gửi vợ.
Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao
Phần mộ của liệt sỹ sau 45 năm nằm hiu hắt bên Quốc lộ 15A, nay cũng đã được tôn tạo và đưa vào quần thể Di tích lịch sử Truông Bồn. Công trình sáng tạo khoa học “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông 1967 - 1972” của anh đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996. Người anh hùng nhường sự sống cho đồng đội Liệt sỹ Hoàng Kim Giao sinh ngày 25/12/1941 tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng). Anh là một cán bộ khoa học trẻ có 2 bằng đại học, thông thạo 4 ngoại ngữ, công tác tại Cục Nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Tháng 9/1968, thay vì đi học tại Liên Xô thì thiếu uý Hoàng Kim Giao đã xung phong nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn công tác vào tuyến lửa Khu 4 để huấn luyện và trực tiếp phá dỡ bom. Những ngày tháng trên tọa độ lửa, Hoàng Kim Giao đã phá thành công 32 quả bom nổ chậm và tháo đầu nổ 40 quả bom từ trường. Ngày 29/12/1968, trên đường hành quân ngược ra Bắc, về đến xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn (Nghệ An), Hoàng Kim Giao dừng lại giúp nhân dân xã này phá quả bom MK36, chứa 300 kg thuốc nổ, có sức công phá rất lớn. Quá trình chiến đấu tại đây, Hoàng Kim Giao và đồng đội là Lương Trung Tín, quê ở Thái Bình, đã anh hũng hy sinh.
Về cái chết đầy oanh liệt này, suốt 45 năm qua, có một người đến ngày giỗ, Tết vẫn âm thầm thắp hương, cúng giỗ cho anh, đó là cựu chiến binh Phạm Văn Cư. Ngày đó, Hoàng Kim Giao đã dành lấy việc phá quả bom nổ chậm từ chiến sỹ Phạm Văn Cư, vì anh biết, vợ đồng đội mình mới sinh con. “Để con trai được nhìn thấy bố...” , ấy là điều mà anh nói với đồng đội, rồi mình cùng chiến sỹ lái xe Lương Văn Tín thực thi nhiệm vụ. Quả bom phát nổ, thân xác anh và đồng đội tan vào đất mẹ. Một phần nhỏ thi thể của hai anh tìm được, đem chia làm đôi và an táng cùng nhau. Mộ phần của hai anh hùng, liệt sỹ nằm cạnh Quốc lộ 15A lịch sử, bên hố bom là chiến tích năm xưa khi quả bom MK36 phát nổ, cách Khu di tích Truông Bồn tầm 1 km. Chính giữa mộ phần là dòng chữ tạc vào đá: “Thân xác anh đã tan vào đất mẹ/ Tâm hồn anh còn mãi với quê hương”. Phía dưới bên trái là di ảnh và thông tin về liệt sỹ Hoàng Kim Giao, phía bên phải là di ảnh và thông tin về liệt sỹ Lương Văn Tín. Ngoài ra, tại mộ phần còn có các phiến đá trang trọng ghi những dòng trích từ bút tích của Hoàng Kim Giao, những xúc cảm của người thân, đồng đội, đồng chí mỗi lần đến đây và cảm nhận. Tình sử bằng thư Không chỉ để lại cho đời những nghiên cứu khoa học ở tầm vĩ mô, anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao còn được biết đến với những trang nhật ký và đặc biệt là những bức thư gửi cho người bạn gái Nguyễn Thị Lan, sau này là người vợ hậu phương của mình, khiến không ít người rưng rưng xúc động. Từ những lá thư để lại, đã làm sống lại một mối tình chiến trận thủy chung và mật ngọt: “Anh không có gì để em yêu cả, vừa ít hiểu biết về cuộc sống hơn em, lại có rất nhiều sai sót và đôi khi yếu đuối lắm em ạ. Anh không biết khi yêu người ta phải sống như thế nào, mặc dù anh đã yêu và được yêu. Anh không muốn lấy lòng em và cũng không biết. Anh sẽ sống chân thành với em, để em sẽ là người hiểu biết anh cả về mặt xấu và mặt tốt, đừng trách anh em nhé”. Tình yêu của Hoàng Kim Giao và cô hàng xóm Nguyễn Thị Lan được xây đắp từ những ngày anh còn ở quê. Theo thời gian, năm tháng, mối tình ấy đã qua bao thử thách để đến ngày đơm hoa, kết trái. Cưới nhau được một thời gian ngắn, Hoàng Kim Giao từ biệt người vợ trẻ, bồng súng ra chiến trận. Và anh đã đi mãi không trở về kể từ sau lần chia tay ấy. Chiến trường luôn ác liệt, bản thân Hoàng Kim Giao lại là chuyên gia phá bom. Không chỉ phải nghiên cứu trên sách vở mà anh còn lăn lộn với những quả nổ khủng khiếp ở chiến trường, chỉ cần một sơ suất nhỏ là đánh cược cả mạng sống của mình và đồng đội. Những lúc mệt mỏi nhất, anh lại cầm bút viết cho vợ những cánh thư ngọt ngào: “Lan ạ! Có những lúc anh mệt mỏi, lúc đó anh thấy anh bé nhỏ lắm Lan ạ! Anh chỉ muốn là con chim nhỏ, bay về sã cánh giữa lòng em, em vỗ về nuôi nấng, em làm tất cả, em trách móc yêu thương. Lúc đó em sẽ là tất cả. Em muốn nói gì anh không cần biết, anh chỉ cần biết mỗi một điều anh đang trên cánh tay em. Lúc đó anh sẽ không còn thấy gì nữa, biết gì nữa, em phải lo liệu tất cả cho anh. Anh chỉ là đứa trẻ nhỏ trong lòng em”. Yêu thương đắm đuối, nhưng với thiếu úy Hoàng Kim Giao, anh không muốn trở thành nô lệ của tình yêu: “Anh không muốn tình yêu làm cho con người trở nên tiều tuỵ. Người ta trở về với con người cá nhân của mình, ngắm nghía mãi và suốt ngày điểm phấn tô son cho mối tình nho nhỏ. Anh sẽ không bao giờ cắt xén đi cuộc đời của em để nó trở thành của riêng anh. Em phải sống cho có ích phải dành cuộc sống của mình chăm sóc vườn hoa đẹp”. Và: “Chúng ta là những giọt nước nhỏ giữa biển mênh mông, đừng bao giờ vì thế mà chúng ta để mặc cho giọt nước tiêu tan thành đám bọt bẩn mà phải cho đời chúng ta trở thành có ích. Đời chúng ta có ý nghĩa chính vì thế”. Đó không chỉ là những trang thư mà còn là những trang đời, là lẽ sống, tình yêu của người anh hùng, kỹ sư, liệt sỹ Hoàng Kim Giao. 36 năm sau ngày anh hy sinh, người vợ Nguyễn Thị Lan mới biết đến những dòng nhật ký mật ngọt này nhờ nỗ lực tìm mộ chồng không ngơi nghỉ. Sau khi tiếp xúc, chính tay chị Lan và người em gái của liệt sỹ, cô giáo Hoàng Liên Thái đã tỉ mẩn đánh máy lại không sót một chữ nào. Được sự cho phép của gia đình, những tư liệu này đã được nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng biên soạn, giới thiệu trong tập sách có tựa đề “Sống để yêu thương và dâng hiến”. |