VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT - WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0916.480.772
Hôm nay: 29385  - Tất cả: 37,838,751
 
CHIẾN CÔNG > CHIẾN CÔNG Bản in - Lượt xem: 10191
Truông Bồn-Huyền thoại bất tử
Tin đăng ngày: 16/12/2018 - Xem: 10191
 

 

Theo chân Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Thủ đô, chúng tôi có mặt tại Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An)-Một địa chỉ đỏ, là điểm từng chứng kiến sự can trường, hy sinh xương máu của biết bao anh hùng, liệt sỹ. Có thể nói, 50 năm trôi qua nhưng khi nghe những câu chuyện về Truông Bồn, ngày 31-10-1968, 13 thanh niên của Tiểu đội thép anh hùng-Tiểu đội cảm tử-Tiểu đội cọc tiêu sống-Đại đội 317-N65-Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An đã vĩnh viễn nằm xuống, không kịp trở về bên người thân, thậm chí không kịp biết lễ ăn hỏi của mình diễn ra tại quê nhà trong buổi sáng cùng ngày (Cao Ngọc Hoà và Nguyễn Thị Tâm), tất cả thành viên trong Đoàn đều lặng đi vì xúc động… Sự ra đi của các anh, các chị đã khiến Truông Bồn trở thành mảnh đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 Tiểu đội Thép anh hùng 

Trong khu mộ chung tại Khu di tích Truông Bồn hôm nay, tấm bia đá hoa cương vẫn khắc ghi tên tuổi của 13 chiến sĩ TNXP anh hùng: Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh, Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa. Người duy nhất sống sót trong Tiểu đội thép năm ấy là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông.


Vào tháng 7/1968, Đại đội đã chọn 14 chiến sĩ, gồm 12 nữ và 2 nam làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu bom nổ chậm, phối hợp với công binh phá bom, bảo đảm cho chặng đường giao thông qua Truông Bồn luôn thông suốt. Sau chiến dịch “100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông”, Ban chỉ huy Tổng đội đã cho phép xét chọn 8 chiến sĩ đã phục vụ hết thời gian 3 năm và có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ.


Cụ thể, trong 8 người được chọn, có 1 người ở nhà chỉ còn mỗi mẹ già đau yếu không có người chăm sóc, 1 người có anh trai là liệt sĩ vừa hy sinh trên chiến trường miền Nam, một đôi nam nữ yêu nhau đã 3 năm chỉ chờ xuất ngũ là tổ chức lễ cưới và 4 người được nhận giấy báo nhập học tại các trường trung học chuyên nghiệp. Tất cả 8 người đã chia tay đồng đội, chờ sáng mai trở về nhà.


Nhưng đêm 30/10/1968, Đại đội 317 nhận lệnh phải cấp tốc thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng. Cả 8 TNXP chuẩn bị xuất ngũ ấy đã xung phong cùng đồng đội của mình ra hiện trường làm nhiệm vụ. 4 giờ sáng ngày 31/10/1968, toàn đơn vị khẩn trương san lấp hố bom. Đến 6 giờ 10 phút, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ đến oanh tạc. Vì giữ nhiệm vụ trực chiến nên 14 chiến sĩ TNXP ấy không kịp rút về hầm trú ẩn và 13 người đã hy sinh khi chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là đến thời điểm 0 giờ ngày 1/11/1968-thời điểm không quân Mỹ ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. 13 TNXP gồm 11 cô gái và 2 chàng trai đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ nhất  là 17 tuổi và người nhiều tuổi nhất mới có 22 tuổi. Sự hy sinh của các chị, các anh đã làm nên huyền thoại Truông Bồn.


Huyết mạch Truông Bồn huyền thoại


Theo Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn: Trong tiếng Nghệ “Truông” là danh từ để chỉ một đoạn đèo dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở. Truông Bồn là một đoạn đèo dốc như thế có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30-đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.


Trên tuyến đường chiến lược này-Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Do đó, Trung ương Đảng, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xây dựng tuyến đường chiến lược 15A và tranh thủ mọi lực lượng, thời gian, vận dụng mọi khả năng vận tải đi qua Truông Bồn để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.


Nhằm hủy diệt Truông Bồn, cắt đứt mạch máu giao thông của ta, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá. Từ năm 1964-1968, chúng đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.

 

Nhưng, bom đạn giặc Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của quân và dân ta. Với phương châm: “Sống bám cầu, bám đường-chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập-nhưng đường không thể tắc”; “Tất cả cho tiền tuyến-Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân ta đã quyết tâm làm nên chiến thắng Truông Bồn, làm nên một Truông Bồn Huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. 


Các lực lượng của quân và dân ta đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại, đóng góp trên 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu m2 đất đá, đưa 94 ngàn lượt xe quân sự vượt qua “Truông” an toàn; vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng, cung cấp hàng chục triệu cây phi lao, cọc tre và các loại gỗ chống lầy-làm cầu cho xe qua; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác, 4.500 xe đầu bò, 900 xe cút kít giải phóng hàng vượt qua “Truông” khi bị địch đánh phá phong tỏa.


Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, ngày 12 tháng 01 năm 1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Quyết định số 1304/QĐ-CTN Phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT cho Tập thể 14 chiến sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn, Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An.


Hiền Mĩ (Quocphongthudo)

 

<< Chiến công >>
  Trang chủ | Giới thiệu | Tin tức | Tiểu đội Anh hùng | Chiến công | Tri ân | Thơ văn | Video - Bài hát | Liên hệ | Diễn đàn Len dau trang
Trang thông tin điện tử: "truongbon.vn"
Bản quyền thuộc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Truông Bồn
Ghi rõ nguồn gốc: truongbon.vn khi phát hành thông tin từ Website này
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An: 
Trưởng ban biên tập: Giám đốc - Phan Trọng Lộc